Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (LCI) của Việt Nam 2022

Sau một quá trình dài nghiên cứu thì ngày 17 tháng 11 vừa rồi, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã công bố kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (LCI) của Việt Nam năm 2022.

1. Lí do cần phải có Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh Việt Nam

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ở nước ta. Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Logistics ngày càng có vai trò trọng yếu, đặc biệt được thể hiện rõ trong thời gian phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Tiến trình phục hồi và phát triển bền vững kinh tế- xã hội sau đại dịch Covid-19, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra đòi hỏi ngành dịch vụ logistics, một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, phải có những bước phát triển đột phá để đáp ứng yêu cầu là mạch máu của nền kinh tế.

Bám sát việc thực hiện các Nhiệm vụ trong Quyết định 221/QĐ-TTg, đồng thời với mong muốn góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu việc phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam theo tinh thần “Chuyển đổi số, Đổi mới, Sáng tạo” mà Đại hội Nhiệm kỳ VIII (2021-2024) của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã đề ra, VLA phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị nghiên cứu VCCI, Dream Incubator (DI) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thực hiện Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (LCI) Việt Nam 2022.

Bà Phạm Thị Tình (thứ 2 từ bên trái sang) là một trong những thành viên của InterLOG tham gia vào Ban nghiên cứu chỉ số LCI

Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (Logistics Competitiveness Index - LCI) là chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ Logistics Việt Nam. Công tác nghiên cứu, đánh giá sẽ được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ số này sẽ cho thấy vì sao có sự khác biệt, chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam trong phát triển logistics phục vụ kinh doanh, xuất nhập khẩu. Chính vì thế, những đánh giá từ Kết quả Chỉ số LCI sẽ có những tác động và đóng góp quan trọng cho các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp, giúp các cơ quan nhà nước đề ra những phương án thích hợp cho tỉnh thành của mình.

2. Hành trình kiến tạo giá trị cho cộng đồng ngành Logistics

Ngày 11/08/2022, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) đã tổ chức buổi lễ công bố khởi động dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh Việt Nam 2022. Tại buổi lễ này, Ban chấp hành VLA đã công bố dự án LCI và các thành viên trong Hội đồng cố vấn và Ban nghiên cứu. Tham gia vào quá trình xây dựng bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh có các cố vấn dày dặn kinh nghiệm như GS TSKH. Nguyễn Ngọc Trân - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, ông Phạm Minh Đức - Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam,… Bên cạnh đó, các thành viên tham gia nghiên cứu bao gồm các công ty chuyên về dịch vụ logistics như công ty InterLOG, công ty WR1, công ty Trasas, công ty SOTRANS logistics, công ty Hoàng Hà logistics; các giảng viên đại học của các trường danh tiếng như PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa - Trưởng Bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM, PGS.TS. Nguyễn Văn Hợp - Trưởng Khoa Kỹ thuật và Quản lý công nghiệp trường Đại học Quốc Tế, Đại học Quốc gia TP. HCM, PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương - Phó Viện Trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế trường Đại học Ngoại thương.

Trong hơn 1 năm qua, các chuyên gia đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra được các bộ tiêu chuẩn phù hợp có thể bao quát năng lực logistics của một khu vực. Bên cạnh đó, thực hiện các cuộc phỏng vấn chuyên sâu, khảo sát với quy mô cỡ mẫu lớn (khoảng 2000 mẫu), tổ chức các cuộc họp liên tục để cập nhật tình hình cũng như tham vấn ý kiến các bên liên quan. Báo cáo 2022 là lần phát hành đầu tiên, các chuyên gia đã dựa trên ba tiêu chí: tiêu chí GRDP, tiêu chí Khối lượng hàng hóa luân chuyển và tiêu chí Số lượng doanh nghiệp logistics để lựa chọn ra được 26 tỉnh thành đại diện trên cả nước tập trung phân tích chuyên sâu.

Bộ chỉ số LCI được xây dựng dựa trên 5 trụ cột chính là Kinh tế, Dịch vụ logistics, Khung pháp lý và chính sách, Cơ sở hạ tầng và Nguồn nhân lực logistics. Các trụ cột này được cấu thành bởi tổng cộng 42 biến nghiên cứu.

5 trụ cột chính của Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh

Với dự án lần này, các thành viên của InterLOG nằm trong ban nghiên cứu đã nỗ lực kết nối và khảo sát các chủ hàng (CO). Số lượng doanh nghiệp lên đến 45-50 doanh nghiệp FDI lớn tại các vùng kinh tế cả nước bao gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, InterLOG giúp VLA lấy ý kiến chuyên gia cho phần đề xuất các tiêu chí đánh giá tác động đến chỉ số LCI và đánh giá trọng số các tác động đó.

Bà Phạm Thị Tình – Giám đốc Thương mại công ty InterLOG chi nhánh Hà Nội, người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng bộ tiêu chuẩn của chỉ số LCI cho biết: “Tham gia vào dự án giúp tôi hiểu rõ hơn quy trình xây dựng chỉ số LCI, hệ số tác động đến việc ra quyết định của chính quyền tỉnh, hiểu về các yếu tố tác động đến hiệu quả Logistics vĩ mô. Tôi cũng rất vui khi đại diện InterLOG đóng góp cho cộng đồng ngành nghề, tìm kiếm giải pháp thiết thực hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp của mình.”

Cụ thể, quá trình xác định kết quả LCI sẽ được thống nhất triển khai qua 9 bước, bắt đầu với “Chọn mẫu nghiên cứu” và cuối cùng là “Xác định thứ hạng cuối cùng”. Công việc chọn mẫu nghiên cứu là một việc đầy khó khăn do việc lựa chọn tập trung nghiên cứu chuyên sâu chỉ với 26 tỉnh thành, các tỉnh thành phố khác cũng có thể có những đặc điểm logistics nổi trội nhưng chưa được hiển thị trong danh sách đánh giá lần này. Những tỉnh thành chưa được đề cập trong lần này sẽ được hoàn thiện nghiên cứu và phân tích cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn thì hầu hết các doanh nghiệp đều hưởng ứng và tích cực tham gia khảo sát và cung cấp các thông tin cần thiết. Nhờ đó, các bước trong quá trình tìm ra kết quả LCI được thực hiện một cách suôn sẻ và độ chính xác cao.

3. Thành quả của quá trình nghiên cứu bộ chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh Việt Nam

Sau hơn 1 năm thực hiện từ ngày 11/08/2022 đến tháng 11/2023, báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022 lần đầu tiên được cho ra mắt. Ngày 17/11/2023, bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh thành đã được chính thức công bố đúng vào dịp Lễ kỉ niêm 30 năm thành lập Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA). Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của hiệp hội cũng như những đóng góp của hiệp hội cho ngành logistics.

Bên cạnh đó, công ty InterLOG tự hào là đơn vị đã đồng hành cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) trong suốt 1 thập kỉ vừa qua và vẫn đang tiếp tục hỗ trợ hết mình cho Hiệp hội. Tại buổi Lễ kỷ niệm, bà Trần Thanh Hòa – Giám đốc Thương mại công ty InterLOG chi nhánh HCM, đã đại diện lên nhận kỷ niệm chương đồng hành cùng VLA trong 30 năm do VLA trao tặng.

Bà Trần Thanh Hòa (thứ 3 từ phải sang) đại diện InterLOG vinh dự lên nhận kỷ niệm chương do VLA trao tặng

Theo bảng đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics của các tỉnh thành Việt Nam năm 2022, TP.HCM đứng đầu bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh logistics, tiếp theo sau đó là Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội theo thứ tự top 5. Bên cạnh đó, có 5 địa phương trong danh sách đánh giá dự kiến nhưng chưa được nhóm nghiên cứu xếp hạng do không nhận được phiếu kết quả khảo sát đầy đủ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics (LSP) là Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa và Thái Bình. Những ứng cử viên sáng giá có đặc điểm nổi bật về hệ thống logistics sẽ được đánh giá vào lần tiếp theo là Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Khánh Hòa.

Với kết quả này, công ty InterLOG đã có đóng góp rất lớn trong việc kết nối các khách hàng và doanh nghiệp, lấy ý kiến khảo sát nhằm có được các thông tin sát với thực tiễn nhất, giúp cho chỉ số LCI được chính xác hơn. Đây cũng là định vị của công ty InterLOG, thấu hiểu “nỗi đau” của khách hàng, từ đó tìm ra các giải pháp hữu hiệu giúp họ tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao sản lượng. Bên cạnh đó, với mô hình ESG mà InterLOG đang theo đuổi, kết nối khách hàng chính là yếu tố “Social – S”, mang lại giá trị to lớn cho cộng đồng logistics và xã hội.

Hệ thống logistics Việt Nam

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022 thể hiện mong muốn của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam và các đối tác trong việc có một kết quả đánh giá xếp hạng khách quan về năng lực cạnh tranh logistics giữa các địa phương, qua đó, là căn cứ tham khảo quan trọng cho cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương trong việc hoạch định và triển khai thực thi chính sách phát triển logistics ở tầm vĩ mô và vi mô nhằm nâng cao năng lực logistics của địa phương. Kết quả LCI sẽ là nguồn tham khảo có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển logistics hướng tới phạm vi liên kết vùng và thúc đẩy sự phát triển logistics của Việt Nam.

Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link
Tin tức liên quan