Trong kỷ nguyên số như hiện nay, các công ty ngày càng chịu áp lực về yêu cầu minh bạch từ khách hàng. Đặc biệt trong ngành cung ứng, khách hàng muốn được biết sản phẩm của họ đến từ đâu và chúng được tạo ra như thế nào. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm từ cơ quan quản lý ngày càng khắt khe.
Theo đó, blockchain được đánh giá là giải pháp cho vấn đề này. Dưới đây là một số ứng dụng của công nghệ blockchain có thể làm thay đổi chuỗi cung ứng.
Blockchain giúp xây dựng cơ sở dữ liệu tin cậy và an toàn, tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Ảnh: Digital Marketing Institution
Đảm bảo chất lượng và độ an toàn của sản phẩm
Trước đây, không ít các vụ thu hồi sản phẩm đã xảy ra vì lí do không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn như sữa bột trẻ em hay thức ăn cho vật nuôi. Nếu các nhà sản xuất và nhà bán lẻ có thể ứng dụng blockchain chia sẻ dữ liệu về thành phần và quy trình sản xuất, điều đó có thể giúp ngăn chặn những vụ thu hồi như vậy xảy ra.
Trong trường hợp một sản phẩm cần được thu hồi, blockchain giúp các quá trình diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, đặc biệt như khi cần truy xuất nguồn gốc của các thành phần.
Thiệt lập danh tính số
Blockchain có thể được sử dụng để tạo một danh tính số cho các sản phẩm, bao gồm thông tin về địa điểm và cách thức được tạo ra. Chức năng theo dõi này giúp khách hàng nắm bắt được nguồn gốc và các thành phần của sản phẩm, yên tâm hơn khi mua. Mặt khác, điều này cũng giúp các công ty trở nên minh bạch hơn, tạo dựng niềm tin với khách hàng của họ.
Bảo hộ sở hữu trí tuệ
Theo World Trademark Review, khoảng 3,3% thương mại thế giới giao dịch các sản phẩm giả mạo. Điều này gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu ước tính khoảng 509 tỷ USD mỗi năm.
Blockchain có thể giúp giảm số tiền này bằng cách cung cấp sổ cái chống giả mạo cho các giao dịch, ngăn chặn vi phạm bản quyền. Năm 2021, Microsoft đã ra đời hệ thống có tên là Argus, được thiết lập dựa trên chuỗi khối ethereum. Đây được coi là hệ thống chống vi phạm bản quyền công khai đầu tiên.
Tuân thủ các quy định
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang nghiên cứu việc sử dụng blockchain để theo dõi dược phẩm. Điều này có thể giúp ngăn chặn hàng giả và đảm bảo rằng thuốc đang được sản xuất và phân phối tuân theo các quy định của FDA.
Bên cạnh đó, ngành hàng không cũng đang xem xét khả năng sử dụng blockchain để theo dõi và quản lý các bộ phận của máy bay, với mục tiêu đảm bảo các tàu bay đều tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành.
Minh bạch trong trách nhiệm môi trường, xã hội và quản trị
Nếu một công ty muốn xác minh khả năng đáp ứng về tính bền vững của vật liệu, họ có thể sử dụng blockchain để theo dõi toàn bộ quy trình cung ứng của sản phẩm.
Sự minh bạch này nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm được đến từ những nguồn bền vững đã được chứng nhận và được sử dụng một cách có trách nhiệm. Không chỉ vậy, blockchain có thể được sử dụng để doanh nghiệp theo dõi lượng khí thải CO2 trong quá trình tạo ra sản phẩm và ghi chép lại.
Bảo mật dữ liệu
Một mạng lưới các blockchains được kích hoạt bởi giao thức zero-knowledge cho phép các ứng dụng xác minh thông tin mà không tiết lộ thông tin đó. Điều này giúp các công ty chia sẻ dữ liệu sản phẩm với khách hàng mà không tiết lộ thông tin nhạy cảm, chẳng hạn như danh tính của những người liên quan đến chuỗi cung ứng hay địa điểm của nhà máy.
Nguồn: VnExpress