Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Bản tin logistics Tuần 8

Blog/Tin tức

1. Kinh nghiệm quản lý loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, hiện nay cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, hệ thống thông tin doanh nghiệp không tập trung đang nằm rải rác ở các chương trình, hệ thống nghiệp vụ khác nhau của ngành. Bên cạnh đó công tác thu thập thông tin doanh nghiệp ở một số cục hải quan địa phương chưa được chú trọng mà chỉ đang tập trung vào công tác thông quan. Do đó công tác thu thập thông tin doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả quản lý.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất của doanh nghiệp và xây dựng được một hệ thống thông tin doanh nghiệp thống nhất là một yêu cầu quan trọng trong quá trình thu thập thông tin doanh nghiệp. Qua đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận qua loại hình này.

Nhằm đánh giá tổng quan tình hình quản lý, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất; trao đổi kinh nghiệm quản lý và đề xuất phương thức quản lý hải quan mới trong mô hình hải quan số, trong hai ngày 20 và 21/2, tại Bình Dương, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo chuyên đề quản lý hải quan đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất.

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, hoạt động gia công, nhập nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu, chế xuất phát sinh tại hầu hết các địa bàn cả nước. Để theo dõi, quản lý được số lượng lớn doanh nghiệp này đòi hỏi cơ quan Hải quan phải có phương thức và biện pháp quản lý phù hợp.

Do đó, tại hội thảo này, đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan tham gia hội thảo sẽ trao đổi về phương thức quản lý đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất; thu thập, phân tích, đánh giá thông tin về doanh nghiệp để áp dụng biện pháp quản lý phù hợp. Kỹ năng kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất; biện pháp theo dõi, quản lý và mối quan hệ giữa lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, sản phẩm xuất khẩu với năng lực sản xuất. 


Cán bộ hải quan chia sẻ kinh nghiệm quản lý loại hình gia công,
sản xuất xuất khẩu, chế xuất tại Hội thảo chuyên đề quản lý hải quan đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất. (
Ảnh: Tạp chí Hải Quan)

2. Hải quan chia sẻ kinh nghiệm hướng tới hải quan số

Về công tác quản lý hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất, theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, các vấn đề trọng tâm được thảo luận bao gồm: Công tác quản lý, theo dõi, giám sát đối với doanh nghiệp chế xuất thông qua hệ thống camera; các biện pháp bảo mật dữ liệu thông tin doanh nghiệp chế xuất; thủ tục hải quan liên quan đến hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất.

Về quản lý hải quan đối với hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ, đại diện các đơn vị đã thảo luận về công tác quản lý, kiểm soát tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ; kinh nghiệm xử lý các trường hợp tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ còn treo trên hệ thống; xử lý trong trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản...

Tại hội thảo, đại diện Cục Hải quan Hải Phòng đã chia sẻ kinh nghiệm phương thức quản lý, thu thập, phân tích, đánh giá thông tin đối với doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất; kỹ năng kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất để phát hiện bất cập so với thực tế hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Cục Hải quan Bình Dương cũng chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất. Cục Hải quan TP HCM thông tin về công tác quản lý, kiểm soát tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ; kinh nghiệm xử lý các tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ còn tồn đọng; xây dựng phần mềm theo dõi, quản lý hiệu quả tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ...

3. Công ty PouYuen dự kiến cắt giảm 6.000 nhân sự do thiếu đơn hàng

Do ít đơn hàng sản xuất, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam sẽ không tiếp tục ký hợp đồng lao động với khoảng 3.000 lao động có hợp đồng lao động 1-3 năm. Ngoài ra, công ty dự kiến tháng 2 sẽ cắt giảm 3.000 lao động thuộc khu C và khu D.

Lý do được đưa ra khi đó là vì các thị trường xuất khẩu chính đang cắt giảm mạnh đơn hàng ảnh hưởng kế hoạch sản xuất của công ty, doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh đơn hàng gia công giày thể thao trong bối cảnh khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng khoảng một nửa trước đây. 


Nhiều container vận chuyển hàng hoá
trên khắp Trung Quốc đang để không, chờ xuất khẩu tăng trở lại.
(Ảnh: AFP). 

4. Đơn hàng nước ngoài giảm mạnh, container rỗng chất đống tại các cảng của Trung Quốc

Theo báo cáo gần đây của công ty tư vấn nghiên cứu hàng hải Drewry, giá cước container 40 foot trong tháng 12/2022 đã giảm 45% so với cùng kỳ năm 2021. Báo cáo ước tính giá sẽ tiếp tục đi xuống trong 6 đến 9 tháng đầu năm 2023 rồi mới phục hồi.

Chỉ số Freightos Baltic cho thấy giá vận chuyển container 40 foot từ châu Á đến bờ tây nước Mỹ vào tuần trước là 1.295 USD, thấp hơn 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá vận chuyển từ châu Á tới bờ đông nước Mỹ và châu Âu đã giảm lần lượt 86% và 80% so với một năm trước.

Báo cáo mới nhất từ Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ ước tính khối lượng nhập khẩu qua đường biển của nước này vào tháng 2 sẽ giảm 12% so với tháng 1 và giảm 26% so với một năm trước.

Ông Judah Levine, Giám đốc nghiên cứu tại Freightos, giải thích: “Nguyên nhân của sự suy giảm có thể là lượng hàng tồn kho lớn, tiêu dùng suy yếu do lạm phát và xu hướng chi tiêu trở lại cho dịch vụ”.

5. Container rỗng ùn ùn đổ về Việt Nam, nhiều cảng biển chật cứng

Giới chuyên gia lo ngại, đây chính là dấu hiệu của cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra, khi nhu cầu tiêu dùng đã giảm bớt. Một phát ngôn viên của Container xChange cho hay, thị trường đang đi xuống do nhu cầu của người tiêu dùng ít đi vì những yếu tố như lo ngại suy thoái kinh tế và rủi ro lạm phát. Do đó, đã có sự sụt giảm đáng kể trong nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu vận chuyển hàng hóa ít hơn.

Đây cũng là nhận định của ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam. Theo ông Minh, thương mại toàn cầu giảm nên lượng hàng hóa vận tải cũng giảm sút, trong đó có Việt Nam. Từ đây, tình trạng dư thừa container cũng đang xảy ra tại Việt Nam. Đáng chú ý, Việt Nam cũng đang trở thành “điểm đến” mà các container rỗng đổ về.

Lý giải về điều này, ông Minh cho biết Việt Nam có phí lưu kho bãi rẻ nhất thế giới, thậm chí miễn phí. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu kho, depot (cảng cạn)./.

Tác giả: InterLOG Tổng hợp và Biên tập
Chia sẻ
Đã copy link