Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Các thách thức của xuất nhập khẩu đầu năm 2023

Blog/Tin tức chung

Tình hình sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa

Tháng 1/2023, do có hai kỳ nghỉ Tết Dương lịchNguyên Đán, thời gian làm việc chỉ bằng 1/3 so với các tháng trước, đơn hàng bên ngoài giảm, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp Tết, vì vậy chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu trong tháng đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Ngoài nguyên nhân tháng 1 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, mặt khác kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm, tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2023 vẫn duy trì xuất siêu 3,6 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 1,6 tỷ USD); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20% (cùng kỳ tăng 1,3%). 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 ước giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như diễn biến xung đột trên thế giới, tình hình kiềm chế lạm phát, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các nước lớn, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn… Mặc dù vậy, các FTA tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tích cực sẽ tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần phải có những biện pháp nhất định trong giai đoạn các quốc gia đang chạy đua tới mục tiêu Net Zero.

Tình hình sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2023 ước giảm 14,6% so với tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước: Ngành chế biến, chế tạo (giảm 9,1%, làm giảm 7 điểm phần trăm trong mức tăng chung); Ngành khai khoáng (giảm 4,9%, làm giảm 0,8 điểm phần trăm); Ngành sản xuất và phân phối điện (giảm 3,4%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm); Ngành cung cấp nước (hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm).

Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu: Ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 01/2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%.

Kim ngạch nhập khẩu: Ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21,3% so với tháng trước và giảm 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93%.

Thị trường xuất nhập khẩu: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD.

Cán cân thương mại: Ước tính xuất siêu 3,6 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.

Các ngành thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro
chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp.

Áp lực của doanh nghiệp khi thực hiện Thuế Carbon

Hồi giữa tháng 12/2022, EU thông báo sẽ thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM). Theo đó, thị trường này sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu được nhập khẩu vào đây, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu chia sẻ, lần đầu tiên châu Âu đảm bảo đối xử công bằng với các doanh nghiệp, giữa những công ty phải trả giá carbon ở Châu Âu và cả những doanh nghiệp không trả giá tại các quốc gia khác. Điều này giúp châu Âu làm được nhiều hơn cho khí hậu hiện nay nhằm bảo vệ doanh nghiệp thực hiện đúng tiêu chí bảo vệ môi trường và cả bảo vệ việc làm cho người lao động. Vì vậy, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ gây ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của Châu Âu. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của Châu Âu, doanh nghiệp bắt buộc phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện nay tại Châu Âu. Việc này tạo nên một vấn đề lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Châu Âu, đó là thêm một chứng chỉ về môi trường để có thể lưu thông tại thị trường khó tính này.

Vấn đề các doanh nghiệp cần giải quyết?

Đối mặt với chính sách này, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Châu Âu cần phải có những hướng giải quyết nhất định. CBAM trước tiên áp dụng cho những sản phẩm phát thải carbon lớn như sắt thép, xi măng, phân bón, điện… nên các doanh nghiệp những lĩnh vực khác còn có thời gian chuẩn bị để tới thời điểm Liên minh Châu Âu thực hiện còn có thể đáp ứng được ngay. Ngoài việc thực hiện mua chứng chỉ carbon, đáp ứng các tiêu chí thuế các bon khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Châu Âu, các doanh nghiệp cũng có thể “xanh hóa” nhằm đảm bảo an toàn cho môi trường bằng nhiều phương pháp ứng dụng sản xuất, chế tạo, chế biến khác nhau.

Chia sẻ về sản xuất xanh, giảm áp lực khí thải carbon ra môi trường, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc CTCP Phong Phú cho biết, ngành dệt may thuộc nhóm sản phẩm bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa hiện nay với 75 - 96 tiêu chí đánh giá. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn, nâng cao uy tín với đối tác mà sản phẩm còn tăng tính cạnh tranh, có nhiều đơn hàng hơn, đặc biệt những nhãn hàng cao cấp. Nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị cho vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất, bảo vệ môi trường sống của người tiêu dùng từ nhiều năm trước, chỉ thiếu một chứng chỉ chứng nhận cụ thể. Do đó, việc còn lại chính là giải quyết chứng chỉ carbon để hàng hóa “thêm chất bôi trơn” khi tiến vào thị trường Châu Âu khó tính. 

1192 cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính (KNK)

Đầu năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg về Danh mục, lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê KNK. Theo lộ trình thực hiện báo cáo kiểm kê, 1.192 cơ sở thuộc 6 lĩnh vực: Năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông - lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải sẽ phải cung cấp số liệu h oạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê KNK năm 2022 trước ngày 31/3/2023. Đây được xem như bước đi đầu tiên của doanh nghiệp nếu muốn được công nhận các kết quả giảm phát thải KNK, bảo vệ môi trường. Đây là nền tảng quan trọng bước đầu cho kế hoạch thực thi Net Zero của Việt Nam, là bước để doanh nghiệp tự đánh giá mức độ phát thải hiện tại của mình để có chiến lược điều chỉnh phù hợp, đồng thời cũng sẽ là căn cứ để Nhà nước ban hành hạn nghạch phát thải đối với từng doanh nghiệp.

Việt Nam dự kiến sẽ thí điểm vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028 nhằm kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh (Cục Biến đổi khí hậu), hai mặt hàng của thị trường các-bon là tín chỉ các-bonhạn ngạch phát thải. Tín chỉ các-bon thu được từ các hoạt động giảm phát thải của doanh nghiệp và được các cơ chế phát hành tín chỉ chứng nhận. Còn hạn ngạch phát thải khí nhà kính do Nhà nước phân bổ cho các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phát thải quá ngưỡng có thể mua thêm hạn ngạch do Nhà nước ban hành, hoặc từ các đối tượng khác cũng được cấp hạn ngạch nhưng không sử dụng hết. Đó chính là bên mua - bên bán của thị trường các-bon. Vì thế, để được hưởng những lợi ích từ thị trường, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu quy định pháp luật về giảm phát thải KNK, về thị trường các-bon. Đặc biệt, cần tăng cường năng lực về kiểm kê KNK và thực hiện hoạt động giảm phát thải KNK, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon./.

Tác giả: InterLOG Tổng hợp
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi