Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/6, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nói chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp khi giá xăng dầu tăng cao, lên mức kỷ lục vượt 31.000 đồng một lít từ 2/6.
Ông Hải đề cập ba biện pháp để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, là dùng Quỹ bình ổn giá xăng dầu linh hoạt; cân nhắc giảm thuế và có thêm các biện pháp an sinh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, trong đợt điều hành vừa qua, nhờ sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đà tăng giá xăng trong nước thấp hơn so với thế giới. Cụ thể, từ đầu năm đến 1/6, biên độ tăng giá xăng dầu trong nước 27,29 - 47,89%. Trong khi đó, giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới ở tại thị trường Singapore (giá làm chuẩn tính giá cơ sở xăng dầu trong nước) tăng 45,86 - 63,68%.
Trước đề nghị giảm thêm thuế để kìm đà tăng giá xăng dầu, Thứ trưởng Công Thương cho hay, tới đây bộ này sẽ cùng Bộ Tài chính rà soát, đề xuất để giảm tiếp một số loại thuế.
Hiện, cơ cấu tính giá xăng dầu có thuế bảo vệ môi trường, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra còn có các loại chi phí định mức, lợi nhuận định mức. Bộ Tài chính cho biết các loại phí, lệ phí không được tính trong cơ cấu giá xăng dầu.
Trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4 đến hết năm. Ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Tài chính bổ sung thêm, bộ này đang xin ý kiến các bộ, ngành sửa đổi Nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12%. Việc này sẽ đa dạng hoá nguồn cung xăng dầu.
Về việc có dư địa giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu hay không, theo ông Tuấn, hiện không có quy định về miễn, giảm các loại thuế này với mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Xăng đang là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 10%. Mặt hàng dầu không chịu loại thuế này.
Mặt khác, Thứ trưởng Tài chính nói, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng ở Việt Nam hiện vào loại thấp so với thế giới.
Ông cũng thông tin thêm, tỷ trọng thuế trong xăng dầu Việt Nam hiện ở mức "trung bình thấp so với thế giới". Trung bình tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu ở nhiều quốc gia (trừ nước có trữ lượng dầu mỏ lớn) là 40-60%. Với Việt Nam, tỷ trọng thuế trong giá xăng là 29-31%; dầu diesel hơn 13%.
Ngoài các giải pháp về thuế, dùng Quỹ bình ổn xăng dầu, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải nói có thể tính tới các chính sách an sinh, hỗ trợ người nghèo, doanh nghiệp.
"Giá xăng dầu tăng thì ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân, sản xuất của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ cố gắng điều chỉnh giá xăng dầu trong điều kiện ngân sách, và hiện giá xăng Việt Nam vẫn đang thấp hơn một số nước chung đường biên giới", ông chốt lại.
Nguồn: VnEpress