Đặc biệt, đối với ngành logistics, xanh hóa là yếu tố bắt buộc và là yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, trong ngành logistics thì trên 50% là chi phí vận tải dẫn tới lượng khí thải rất lớn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Turgut Erkeskin - Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) đang thăm và làm việc tại Việt Nam vào ngày 09/07. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng FIATA luôn là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam với các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics thế giới. Thủ tướng ghi nhận những đóng góp của FIATA trong phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị FIATA quan tâm hỗ trợ công tác phát triển nhân lực cho ngành logistics Việt Nam; mở rộng các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam. Chủ tịch FIATA đánh giá cao Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045, nhất là trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Do đó, để đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra và thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, các vấn đề mới về phát triển logistics xanh và thích ứng nhanh cũng được chọn là Chủ đề trọng tâm của Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA WORLD CONGRESS) năm 2025 mà Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) là đại diện quốc gia đăng cai tổ chức vào tháng 10/2025 tại Hà Nội. Đặc biệt hơn, chủ đề của FIATA World Congress 2025 do chính các bạn trẻ thuộc phòng Phát triển kinh doanh quốc tế của InterLOG đề xuất và đã đạt giải Đặc biệt cuộc thi “Sáng tác chủ đề FIATA World Congress 2025” được VLI tổ chức vừa qua, được lựa chọn làm chủ đề chính cho FIATA World Congress 2025 được đăng cai tại Thành phố Hà Nội.
Tại Tọa đàm “Phát triển Logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025” do Hiệp hội Logistics Việt Nam và Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức vào ngày 9/7 vừa qua cũng đã chia sẻ những yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng nhanh trước những thay đổi chóng mặt của nền kinh tế toàn cầu. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh luôn đi đôi với nhau không thể tách rời, do đó cần phải có định hướng cũng như những giải pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đối. Tọa đàm này cũng mở màn hướng tới Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế - FIATA WORLD CONGRESS 2025.
Tọa đàm có sự tham gia của ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương, ông Lê Minh Đạo - Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Bộ Giao thông Vận tải. Bên cạnh đó, về phía lãnh đạo Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế có: Ông Turgut Erkeskin - Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA); Ông Stéphane Graber, Tổng giám đốc Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA). Các chuyên gia đã cùng thảo luận và chia sẻ những giải pháp, chiến lược nhằm phát triển logistics xanh có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi nhanh và bất thường của kinh tế, xã hội toàn cầu hiện nay.
Tại đây cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và các hiệp hội, tổ chức. Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận Tiếp vận Quốc tế (InterLOG) đã đại diện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam.
MOU này hướng tới việc hai hiệp hội cùng đồng hành trong truyền thông và quảng bá cho FIATA World Congress 2025. Đồng thời biên bản cũng là sự cam kết của 2 Hiệp hội trong phối hợp các hoạt động về tham vấn chính sách, tổ chức hoạt động xúc tiến, kết nối hợp tác và các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
FIATA World Congress 2025 sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ và giao lưu với hơn 1200 doanh nghiệp đến từ hơn 80 quốc gia hoạt động trong lĩnh vực hậu cần, giao nhận hàng hóa, kho bãi, vận chuyển, xử lý, vận chuyển, mua sắm, đổi mới và công nghệ, với hơn 50 chuyên gia hàng đầu từ các tổ chức quốc tế như WTO, UN, WCO, ICAO, ICC cũng như các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực họ hoạt động. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ được tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách, chứng kiến sự công nhận những thành tựu của ngành, hòa mình vào trao đổi văn hóa, có thêm các mối quan hệ cũng như cơ hội hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới.