I. TÌNH HÌNH GIÁ CƯỚC VẬN TẢI TRONG QUÝ 1/2023.
Theo Freightos, chi phí để vận chuyển một container từ Đông Á/Trung Quốc đến Hoa Kỳ đã đạt đỉnh vào tháng 09/2021 ở mức trên $20,000 cho 1 container 40ft. Hiện tại (giá được lấy ở thời điểm tháng 01; 02/2023) giá đã rơi ở mức trên 80% cho các chuyến.
Các chỉ số giá vận chuyển container thế giới (global container index) bởi Freightos và Drewry đang dừng ở mức lần lượt là $1485 (31/03/23) và $1717 (30/03/23). Chỉ số được tính bởi giá trung bình của các tuyến hàng quốc tế theo thời gian, cho thấy được bức tranh tổng thể của thị trường vận tải biển thế giới. Có thể thấy rõ rằng xu hướng giá đang giảm ở mức không phanh, xuống ngang với mức chỉ số ở cuối năm 2020 và gần đến mức trước đại dịch COVID-19 năm 2019. Tuy nhiên chỉ số hiện tại vẫn cao hơn khoảng 30% so với trước đại dịch và theo hầu hết các chuyên gia thì giá sẽ không thể giảm về mức ở 2019, về lý do giá giảm ở mức nhanh và tương lai cước vận tải biển sẽ được đề cập ở phần sau.
Chi tiết mức giá từng tuyến được đề cập ở những bảng dưới đây, hàng tuần mỗi chuyến có mức giá giảm từ 1% - 4%. Theo các chuyên gia nhận định mức giảm theo tuần này sẽ được giữ nguyên trong vài tháng tới. So với cùng kỳ năm ngoái, mức giá các chuyến Châu Á đi quốc tế giảm từ 50% - 88%, tuy nhiên các tuyến đi từ Châu Mỹ đến Châu Âu thì mức giảm chỉ từ 2% đến 22%.
Thị trường vận tải biển chịu sự tác động lớn bởi nhu cầu người dùng, khi các nước Châu Âu và Trung Quốc có lượng hàng tồn kho lớn thì cung vượt cầu dẫn đến thị trường ảm đạm và cạnh tranh cao hơn. Chuyên gia nhận định lượng hàng tồn kho cần thời gian để xử lý và phải ít nhất là Qúy 4/2023 thị trường mới bắt đầu sôi động trở lại.
Theo nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), dựa trên số liệu trong vòng 30 năm của 143 nước, giá cước vận tải là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến lạm phát tăng cao ở quanh thế giới. Khi giá cước tăng gấp đôi thì lạm phát sẽ tăng 0.7%. Nhiều nước trên thế giới đang trong hiện trạng lạm phát cao ảnh hưởng tình hình kinh tế, một trong những lý do kéo giá vận tải xuống như hiện nay.
Vậy có cơ hội nào cho Việt Nam trong năm 2023 - một năm phủ đầy những bất ổn và khó khăn?
Đầu năm 2023, Việt Nam đạt vị trí thứ 10 trong danh sách 50 thị trường logistics mới nổi hấp dẫn nhất thế giới năm 2023, và đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Bảng xếp hạng của Agility dựa trên 4 tiêu chí gồm: “cơ hội logistics trong nước, cơ hội logistics quốc tế, chỉ số sẵn sàng công nghệ, nguyên tắc kinh doanh”. Việt Nam được đánh giá cao trong tiêu chí cơ hội logistics quốc tế, hiện đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 4 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để tiến xa hơn trên bảng xếp hạng, Việt Nam cần cung cấp cho các nhà đầu tư gói hệ thống sinh thái sản xuất hoàn chỉnh để cải thiện chi phí hậu cần hiện đang ở mức 20% GDP.
II. DỰ BÁO GIÁ CƯỚC QUÝ 2/2023 SẼ BIẾN ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Trong quý 2/2023, dự báo khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển tiếp tục giảm, dẫn đến giá cước vận tải biển không mấy khả quan cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Ngành vận tải biển toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế và cung vượt quá cầu.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ sức mua giảm sút của người dân do lạm phát nghiêm trọng, nền kinh tế phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19 và sự gia tăng của các tàu chiến container. Những tập đoàn lớn đã sử dụng lợi nhuận “khủng” của năm 2020 để “tậu” thêm những “chiến mã vượt đại dương” khiến công suất tăng thêm 20%, tuy nhiên việc đóng tàu mất từ 2-3 năm mới hoàn thành được, nghĩa là khi con tàu chính thức được đưa vào vận hành có thể rơi vào thời điểm việc kinh doanh đang gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp đang phải tìm kiếm thêm thị trường ngách để tận dụng tối đa nguồn lực, mặc dù hiệu quả không bằng so với các thị trường lớn.
Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, ông Bùi Văn Trung cho biết: “Thời gian trước, nhiều hãng vận tải biển đã sử dụng lợi nhuận đột biến để tăng tốc đầu tư và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, điển hình là Maersk Line đã thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm, bao gồm mua lại mảng kinh doanh kho vận LF Logistics”.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển nội địa cũng “phủ một gam màu xám”, không mấy khả quan trong 3 tháng tiếp theo của năm 2023. Tình hình kinh tế khó khăn khiến các doanh nghiệp cân nhắc hơn trong việc đặt hàng, mua lượng vừa đủ và không trữ hàng tồn làm cho vận chuyển nội địa bị ảnh hưởng nhiều.