Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Logistics xanh: Xu hướng bền vững trong thời đại 4.0

Logistics xanh lan tỏa rộng rãi trên toàn cầu, với sự chú trọng vào giải pháp vận chuyển và chuỗi cung ứng, góp phần giảm thiểu khí thải và tiết kiệm năng lượng. Không chỉ là xu hướng, logistics xanh là cam kết của doanh nghiệp với xã hội và môi trường.

1. Logistics xanh là gì?

Logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Logistics xanh chi phối đồng thời cả 3 mục tiêu Kinh tế, Xã hội và Môi trường. Ba mục tiêu này không loại trừ mà ngược lại còn củng cố lẫn nhau. Mọi nỗ lực của logistics xanh đều tập trung đóng góp và đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Logistics xanh đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Đa dạng các giải pháp xanh hóa trong chuỗi cung ứng trên mọi phương diện như:

  • Vận tải xanh: Sử dụng các phương tiện vận tải tạo ra lượng khí thải thấp hơn như sử dụng xe điện, vận tải đường thuỷ thay vì đường bộ, kết hợp các đơn hàng đi chung một chuyến,…
  • Bao bì xanh: Sử dụng các loại bao bì có khả năng tái chế, bao bì dễ phân hủy và phân hủy sinh học,…
  • Kho bãi xanh: Sử dụng năng lượng sạch, năng lượng từ thiên nhiên, thiết kế công trình bền vững,…
  • Quản lý dữ liệu: Ứng dụng công nghệ để quản lý và lưu trữ dữ liệu hiệu quả, hạn chế sử dụng hồ sơ giấy,...
    Logistics xanh bền vững, nguồn: Sưu tầm

2. Một số phương pháp tiến đến logistics xanh bền vững.

a/ Thuế Carbon

Thuế carbon là loại thuế áp dụng đối với lượng khí CO2 phát thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, là một trong những tác nhân làm trái đất nóng lên và gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu. Thuế carbon có mục đích định giá phát thải, ngăn chặn các hoạt động khai thác, sử dụng, tiêu dùng năng lượng quá mức. Tiền thuế carbon được xem như để bù đắp những tổn thương cho xã hội và môi trường.

Mỗi quốc gia sẽ có một mức áp thuế carbon khác nhau. EU là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu.

Các đặc trưng cơ bản của thuế carbon:

  • Đối tượng chịu thuế: phổ biến là các loại nhiên liệu hóa thạch được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống như dầu thô, than đá, khí gaz tự nhiên,…
  • Người có nghĩa vụ nộp thuế carbon: Các tổ chức, cá nhân có hành vi nhập khẩu hoặc khai thác nhiên liệu hóa thạch có nghĩa vụ nộp thuế carbon. Tiền thuế carbon là một bộ phận cấu thành trong giá bán nguyên liệu hóa thạch. Các chủ thể sử dụng (tiêu dùng) nhiên liệu hóa thạch là người trả tiền thuế carbon. Như vậy, về bản chất, thuế carbon chính là một loại thuế gián thu.
  • Thuế suất: Thuế suất của thuế carbon được tính trên đơn vị 1 tấn CO2. Lượng CO2 phát thải càng tăng thì số tiền thuế carbon phải nộp càng cao và ngược lại.
  • Cơ chế miễn giảm thuế carbon: Việc đánh thuế carbon có thể gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc sản xuất và đầu tư. Do đó, các trường hợp được xem xét miễn, giảm thuế carbon thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nhà máy điện có quy mô nhỏ.
  • Mục đích sử dụng nguồn thu từ thuế carbon: Tiền thuế carbon được sử dụng vào những việc làm với mục đích giảm thiểu hiện tượng nóng lên toàn cầu, bảo vệ môi trường và tái tạo năng lượng xanh. Ở nhiều nước, một phần thuế carbon còn được sử dụng để trợ cấp cho người nghèo, là đối tượng dễ bị tổn thương bởi thuế carbon do người nhiên liệu tiêu dùng có thu nhập thấp thường phải chi tiêu nhiều hơn cho việc mua các sản phẩm tiêu tốn nhiều năng lượng.

    Sự đe dọa trong cán cân giữa lượng phát thải carbon và môi trường xanh, nguồn: Sưu tầm

b/ Net – zero: Mục tiêu đến năm 2050

“Net – zero” là không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển hay còn được hiểu là giảm lượng phát thải carbon xuống bằng không từ hoạt động sản xuất, thiết kế hay thi công. Đầu tiên và quan trọng nhất là lượng khí thải do con người thải ra phải được giảm càng gần 0 càng tốt. Trạng thái đạt được bằng cách sử dụng chất liệu giảm khí thải nhà kính, hay dùng những phương pháp tiêu thụ hoặc hấp thụ tất cả các CO2 được phát ra trong quá trình sản xuất.

Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải bằng “0” – Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Đây là một cuộc đua đầy thách thức “khó nhằn” đối với Việt Nam trong giai đoạn nền kinh tế đang trên đà phát triển như hiện nay. Song, đây cũng là cơ hội vàng cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực hơn trong việc cam kết loại bỏ dần điện than, chuyển sang điện sạch toàn cầu.

c/ Thị trường tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được tổng hợp tương đương 1 tấn CO2 (viết tắt là tCO2e). Đây là đơn vị mua bán trên thị trường tín chỉ carbon. Có 2 loại thị trường carbon chính: Thị trường carbon bắt buộc và Thị trường carbon tự nguyện.

Thị trường mua bán tín chỉ carbon đang dần nóng lên ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Bộ Tài nguyên và Môi trường  đã xây dựng đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” hướng tới mục tiêu đến sẽ bắt đầu thí điểm từ năm 2025 Việt Nam và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Công ty gây ô nhiễm được trao các khoản tín dụng cho phép họ thải một lượng đến một giới hạn nhất định. Giới hạn đó được giảm theo định kỳ. Đầu tiên, họ phải chi tiền cho các khoản tín chỉ bổ sung nếu lượng khí thải của họ vượt quá giới hạn. Thứ hai, họ có thể kiếm tiền bằng cách giảm lượng khí thải và bán các tín chỉ dư thừa của họ cho một công ty khác có nhu cầu.

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon Việt Nam là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, việc công nhận và phát hành tín chỉ carbon vẫn phụ thuộc vào bên thứ 3 là các tổ chức hoặc các cơ chế tín chỉ quốc tế.

d/ Các giải pháp tối ưu hóa trong logistics xanh

  • Giải pháp Milk – run:

Milk-run là phương pháp vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất từ nhà cung cấp đến cho khách hàng. Không giống với các hình thức vận tải truyền thống, các xe chở hàng sẽ di chuyển theo lộ trình đã quy định qua nhiều nhà cung cấp, thu gom hàng hóa và cuối cùng trở về điểm xuất phát đầu tiên để giao hàng. InterLog đã và đang vận dụng giải pháp Milk-run rất tốt vào chuỗi cung ứng, giúp cho các khách hàng và đối tác cắt giảm được nhiều chi phí và tận dụng được thời gian nhàn rỗi.

Giải pháp này mang lại cho doanh nghiệp và xã hội rất nhiều lợi ích:

-Tận dụng một chuyến xe lấy hàng được nhiều nhà cung cấp -> Giúp cho doanh nghiệp cắt giảm được chi phí thuê xe tải, có nguồn vốn đầu tư cho máy móc thiết bị sản xuất.

-Nguồn hàng được cung ứng đầy đủ, cắt giảm lượng tồn kho, tăng chất lượng nguyên vật liệu đầu vào -> Giúp các nhà cung cấp nâng cao chất lượng thành phẩm và đáp ứng kịp thời nhu cầu của các leadfirm .

-Tiết kiệm được thời gian chờ đợi nguồn hàng vì một chuyến xe lấy hàng được nhiều địa điểm trong ngày -> Tận dụng thời gian để tăng năng suất, tạo thêm thu nhập và doanh thu cho doanh nghiệp.

-Rút ngắn được quãng đường vận chuyển -> Giảm phát thải carbon ra môi trường, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên của Trái đất.

Ứng dụng giải pháp Milk-run trong vận chuyển hàng hóa của InterLOG cho khách hàng

 

  • Giải pháp Re-use:

Đối với các luồng hàng xuất nhập khẩu thường xuyên, InterLog đề xuất phương pháp tái sử dụng container rỗng của hàng nhập khẩu cho hàng xuất khẩu, tiết kiệm được khoảng thời gian đi lấy container và trả container rỗng.

Giải pháp này mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội:

-Tiết kiệm được chi phí vận chuyển: Khách hàng chỉ cần trả 1 lần chở container rỗng và phí nâng hạ. Trung bình một container tái sử dụng tiết kiệm được 50-80 USD/container (tùy theo quãng đường)

-Tiết kiệm được thời gian vận chuyển: Khách hàng có thêm thời gian để đóng hàng và chuẩn bị đầy đủ bộ chứng từ cho việc khai báo hải quan. Bình quân 1 container tái sử dụng tiết kiệm được 2h/container thời gian đi lấy container và trả container.

  • Giải pháp vận chuyển bằng đường thủy:

Năm 2011, InterLog hợp tác với Tân Cảng Sài Gòn để vận chuyển sà lan chở hàng container hạng nặng từ cảng Cát Lái đến khu Công nghiệp Nhơn Trạch. Đây là giải pháp InterLog kiến tạo khai thác hình thức vận chuyển hàng hóa qua sông Đồng Nai thành công tốt đẹp và được các đối tác đánh giá rất cao. Hiện nay, giải pháp này vẫn đang được InterLog đề xuất và áp dụng, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững cho khách hàng.

Giải pháp này mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp và xã hội:

-Tiết kiệm được thời gian và chi phí: 1 sà lan vận chuyển được nhiều container hơn xe đầu kéo.

-Tránh được tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông: Thay vì vận chuyển bằng đường bộ, InterLog sử dụng sà lan vận chuyển bằng đường thủy. Điều này giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp đến kho bãi đúng giờ theo kế hoạch và không gây ách tắc giao thông, gây ra nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường.

 

Tác giả: InterLOG tổng hợp và biên tập

Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi
Tin tức liên quan