Hệ thống cảng biển Đồng Nai sẽ được quy hoạch phát triển để tập trung khai thác các phân khúc chính là vận tải nội Á và nội địa.
Hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh sẽ được quy hoạch phát triển để khai thác phân khúc nội Á và nội địa. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Đồng Nai. Ảnh: Lê Văn
* Sản lượng hàng hóa vượt quy hoạch
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9-2021, hệ thống cảng biển Đồng Nai thuộc nhóm cảng biển số 4.
Ông Lê Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB), thuộc liên doanh các đơn vị tư vấn gồm: CBM; Công ty CP Tư vấn xây dựng cảng - đường thủy; Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GT-VT (liên doanh tư vấn lập quy hoạch chi tiết cảng biển Đồng Nai), cho rằng nhóm cảng biển số 4 là nhóm cảng biển lớn nhất Việt Nam và cũng là nhóm cảng biển quan trọng nhất, chiếm đến 43% tổng lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển cả nước.
Trong nhóm cảng biển số 4, các cảng biển Đồng Nai được xác định là cảng biển loại 1. So với các quy hoạch được duyệt đến năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Đồng Nai đều đã vượt quy hoạch. Cụ thể, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Đồng Nai năm 2019 khoảng 18,4 triệu tấn. Trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh có sụt giảm nhẹ, đạt 18,1 triệu tấn vào năm 2020 và 17,5 triệu tấn trong năm 2021.
“So với các quy hoạch được duyệt đến năm 2020, sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Đồng Nai đã vượt khoảng 5%. Các cảng biển Đồng Nai cũng chiếm sản lượng khoảng 3% so với tổng lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển cả nước” - ông Lê Tấn Đạt cho biết.
Mặc dù vượt quy hoạch về sản lượng hàng hóa nhưng về phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh lại chưa đạt theo quy hoạch đề ra.
Theo Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có các cụm cảng gồm: Long Bình Tân - Bình Dương; Gò Dầu và Nhơn Trạch. Trong số này, cụm cảng Long Bình Tân - Bình Dương có 6 bến cảng chuyên dùng và 2 bến cảng tổng hợp. Trong khi đó, cụm cảng Gò Dầu theo quy hoạch sẽ có 13 cầu cảng được xây dựng nhưng hiện nay mới có 11 cầu cảng hoàn thành xây dựng. Đối với cụm cảng Nhơn Trạch, hiện nay cũng mới có 11 cầu cảng được xây dựng trên tổng số 21 cầu cảng được quy hoạch.
Số liệu tổng hợp của đơn vị tư vấn cho thấy, về số lượng cầu cảng, các cảng biển trên địa bàn tỉnh mới chỉ hoàn thành đạt hơn 64% so với quy hoạch được duyệt đến năm 2020. Tương tự, về chiều dài cầu cảng, Đồng Nai hiện cũng mới chỉ đạt được hơn 57% so với quy hoạch được duyệt đến năm 2020.
Theo ông Lê Tấn Đạt, việc triển khai đầu tư các bến cảng biển theo quy hoạch cũng như chậm triển khai đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hạ tầng cảng biển trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không đạt được các mục tiêu đã đề ra đến năm 2020.
* Định hướng phân khúc phát triển cho hệ thống cảng biển
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai sẽ có 3 khu bến cảng biển gồm: khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái; khu bến Nhơn Trạch và khu bến Long Bình Tân.
Đồ họa thể hiện hiện trạng các khu bến cảng biển trên địa bàn tỉnh
(Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)
Khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái (trên sông Thị Vải) có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất, vùng nước trên sông Thị Vải, thuộc H.Nhơn Trạch. Khu bến cảng này có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam bộ và khu vực Tây nguyên với các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Đối với cỡ tàu, khu bến này có thể đón tàu có trọng tải đến 60 ngàn tấn phía hạ lưu cầu Phước An và đến 30 ngàn tấn phía thượng lưu cầu Phước An đến Gò Dầu, Phước Thái, phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải và tĩnh không công trình vượt sông.
Khu bến Nhơn Trạch có phạm vi quy hoạch bao gồm vùng đất, vùng nước bên phải tuyến luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng Đồng Nai, luồng Đồng Tranh thuộc địa phận H.Nhơn Trạch. Chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam bộ với các bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Về cỡ tàu, khu bến có thể đón tàu trọng tải đến 45 ngàn tấn phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải và tĩnh không công trình vượt sông.
Khu bến Long Bình Tân (trên sông Đồng Nai) gồm vùng đất, vùng nước bên phải tuyến luồng Đồng Nai (phía hạ lưu cầu Đồng Nai). Chức năng là khu bến cảng vệ tinh, đầu mối gom hàng cho các cảng biển trong khu vực và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khu bến cảng này có bến tổng hợp, container, hàng lỏng/khí. Cỡ tàu trọng tải đến 5 ngàn tấn.
Ông Lê Tấn Đạt cho hay, trong quy hoạch chi tiết cho hệ thống cảng biển Đồng Nai thời gian tới, khu bến Nhơn Trạch là khu bến sẽ có sự điều chỉnh lớn. Cụ thể, đối với khu bến này, đơn vị tư vấn kiến nghị giới hạn phát triển các bến cảng mới từ khu vực tổng kho 186 về phía hạ lưu các sông Lòng Tàu, Nhà Bè và mở rộng ra khu vực sông Đồng Tranh với chiều dài bờ khoảng 16km và quy mô khoảng 600ha.
Trong khi đó, đối với khu vực thượng lưu đối diện cảng Cát Lái thì không quy hoạch phát triển cảng. “Với diện tích và chiều dài đường bờ như trên là cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, các khu công nghiệp trên địa bàn và vùng phụ cận. Một phần sản lượng hàng hóa sẽ được điều chỉnh dịch chuyển đến cảng Phước An. Cảng Phước An trong tương lai cũng sẽ là khu bến chính của hệ thống cảng biển Đồng Nai” - ông Lê Tấn Đạt cho biết.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho hay, đối với khu bến Nhơn Trạch, từ năm 2021, Đồng Nai cũng đã thực hiện rà soát để điều chỉnh quy hoạch. Một số bến cảng chậm triển khai cũng được định hướng loại bỏ để tạo không gian phát triển đô thị Nhơn Trạch.
Về phân khúc hoạt động của hệ thống cảng biển, theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, trong khoảng 6 năm trở lại đây, các hãng tàu đưa vào sử dụng các “size” tàu rất lớn. Với những tàu này, quy mô cảng biển phải lớn mới có thể đáp ứng. Do cỡ tàu vận tải thay đổi nên những tàu cỡ từ 60 ngàn tấn trở xuống chủ yếu phục vụ các tuyến nội Á, nội địa, còn những tuyến Âu - Mỹ thường phải là cỡ tàu từ 100 ngàn tấn trở lên.
Hệ thống cảng biển Đồng Nai đang được lập quy hoạch chi tiết để định hướng phát triển. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại cảng Gò Dầu. Ảnh: P.Tùng
Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang, hiện nay có 3 phân khúc tàu biển chính gồm: từ 100-230 ngàn tấn chuyên vận chuyển các tuyến đường xa; phân khúc nội Á với cỡ tàu từ 30-70 ngàn tấn và phân khúc nội địa với cỡ tàu từ 30 ngàn tấn trở xuống. Như vậy, đối với hệ thống cảng biển Đồng Nai, dựa vào xu hướng vận tải biển và quy mô cảng biển, đơn vị tư vấn cũng đã định hướng phân khúc phát triển cho hệ thống cảng biển của tỉnh. Theo đó, hệ thống cảng biển Đồng Nai cần tập trung vào 2 phân khúc nội Á và nội địa.
Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình cũng cho rằng, định hướng về phân khúc phát triển của đơn vị tư vấn là phù hợp. Đối với hệ thống cảng biển Đồng Nai, cảng Phước An sẽ là nơi phát triển chính cho phân khúc nội Á. Các cảng biển còn lại chủ yếu sẽ thực hiện nhiệm vụ vệ tinh, gom hàng.
Nguồn: Báo Đồng Nai