Để có thể phát triển bền vững, chúng ta cần thay đổi từng giai đoạn trong chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất cho đến bước hoàn thiện sản phẩm và phân phối. Do đó, khái niệm sản xuất bền vững ra đời.
Sản xuất bền vững cũng giống với sản xuất xanh hay sản xuất thân thiện với môi trường, đang nhận được rất nhiều sự chú ý từ các nhà máy trên toàn thế giới. Theo Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, sản xuất bền vững được hiểu là sự tạo ra các sản phẩm, trong đó giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, bảo tồn nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Những yếu tố này với mục đích nâng cao chất lượng và sự an toàn của công nhân, cộng đồng cũng như chính sản phẩm.
Những năm trở lại đây, thiên tai như lũ lụt, bão tố, lốc xoáy, động đất,... ngày càng nhiều do sự thay đổi trầm trọng của khí hậu, sự tăng lên của khói bụi thải ra môi trường. Tất cả những điều này gây áp lực to lớn đến quá trình sản xuất, thúc đẩy các doanh nghiệp phải tăng tốc trong việc vận hành nhà máy xanh.
Sản xuất bền vững bao gồm:
-Không gây hại đến môi trường xung quanh.
-Giảm lượng rác thải và khí thải ra môi trường
-Cắt giảm lãng phí nguyên liệu thô và các nguồn nguyên liệu khác.
-Giảm tiêu thụ nguồn năng lượng, nguồn nước và những nguồn năng lượng có giới hạn.
-Nâng cao sự an toàn của công nhân và dân cư khu vực xung quanh nhà máy.
-Giảm nguồn nguyên liệu và chi phí cho sản xuất:
Chi phí sản xuất thấp hơn và tối đa hóa lợi nhuận biên là điều lý tưởng nhất cho hầu hết các doanh nghiệp. Cùng với mô hình sản xuất bền vững, những thiết bị và các phương pháp giúp cho việc sử dụng tài nguyên hiệu quả sẽ được đưa vào quy trình sản xuất, điều này sẽ giúp cải thiện năng suất hiệu quả và thúc đẩy việc tận dụng các nguồn lực một cách hợp lý, đặc biệt là các nguồn năng lượng không thế tái tạo được. Hướng đến sự bền vững là mục tiêu cao cả, mang lại lợi ích cho cả môi trường và các doanh nghiệp.
-Thúc đẩy sự đổi mới:
Để có được các thiết bị hiện đại và quy trình sản xuất tối ưu, con người cần phải thay thế hệ thống cũ đang sử dụng. Chúng ta phải luôn luôn đổi mới, thay đổi quy trình để phù hơp với mục tiêu. Điều này sẽ tốn chi phí ban đầu, nhưng lợi ích dài hạn đạt được rất đáng giá và hiệu quả. Yếu tố bền vững đã trở thành một phần trong sự đổi mới, các ý tưởng sáng tạo luôn hướng đến mục tiêu lâu dài là sự bền vững. Điều này tạo điều kiện cho quy trình ngày càng được hoàn thiện, tiết kiệm chi phí vận hành, đồng thời phủ xanh hành tinh của chúng ta.
-Nâng cao sản lượng:
Hiện nay, lượng người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm mang tính chất bền vững tăng lên đáng kể. Ngày càng nhiều người có sự quan tâm đến môi trường sống, mong muốn giảm thiểu tác động tiêu cực đến bầu khí quyển và sản phẩm bền vững cũng an toàn hơn trong quá trình sử dụng chúng.
Bên cạnh đó, trách nhiệm xã hội của công ty đối với cộng đồng cũng có ảnh hưởng rất tốt đến danh tiếng của công ty đó. Nó giúp định vị thương hiệu, làm cho doanh nghiệp trở nên khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực, xây dựng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
-Tỉ lệ tuyển dụng và duy trì cao hơn:
Một tỉ lệ dân số khá đông có ý thức về bảo vệ lá phổi xanh, họ luôn quan tâm đến các chương trình và các hoạt động mà các công ty tổ chức và thực hiện. Trách nhiệm đối với cộng đồng mà công ty đem lại là yếu tố sẽ giúp công ty đó giữ chân được các nhân viên của mình.
-Giảm chi phí cho các luật môi trường:
Để khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm hơn đến vấn đề môi trường, cải tiến nhà máy theo hướng “xanh hóa”, nhà nước ban hành các luật lệ liên quan đến bảo vệ môi trường. Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị chế tài, phạt tiền theo hình thức đóng thuế. Khi các doanh nghiệp tuân thủ thực hiện đúng quy định, cải thiện nhà máy, áp dụng các phương pháp hiện đại vào sản xuất sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền thuế cho vấn đề này.
Điển hình là các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam đã áp dụng rất tốt mô hình sản xuất bền vững. Nắm được xu hướng thế giới đang dần tiến tới các giá trị bền vững lâu dài, các công ty ở Long An dần chuyển hướng thay đổi quy trình theo hướng xanh hóa để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Công ty TNHH Việt Thắng Jean ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được nhiều đơn hàng xuất sang thị trường Châu Âu hơn khi thay đổi sang mô hình sản xuất bền vững. Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: “Sản phẩm dệt may truyền thống xuất sang thị trường châu Âu có giá khoảng 11 USD/cái, trong khi sản phẩm sử dụng nguyên liệu hữu cơ, hoặc nguyên liệu tái chế, đáp ứng tiêu chí sản xuất bền vững có thể bán được 23 USD/cái.”
Hiện nay, thị trường Châu Âu là thị trường đặt ra các tiêu chuẩn sản xuất xanh khắt khe nhất, từ những nguyên liệu đầu vào, khả năng tái chế đến lợi ích mang lại cho xã hội theo tiêu chuẩn Ecotech mà thị trường này đặt ra. Đây là các điều kiện bắt buộc để hàng hóa được nhập cảnh vào thị trường to lớn này Việt Nam là nước đang phát triển, do đó Châu Âu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi theo từ lộ trình cam kết. Doanh nghiệp nào không thay đổi quy trình, sản phẩm của doanh nghiệp đó sẽ bị gắn thẻ đỏ, không được nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Hiện tỉ lệ sản phẩm của Việt Thắng Jean đạt tiêu chuẩn Ecotech đã chiếm 35% cơ cấu sản xuất của doanh nghiệp. Nhóm sản phẩm này rất được người tiêu dùng EU đón nhận vì đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh khắt khe của thị trường này.
Công ty TNHH Dệt may Trung Quy ở KCN Hải Sơn, Long An đã xuất hai container vải có nguồn gốc sợi hữu cơ cho đối tác Hoa Kỳ trong tháng 3/2023. Một số đối tác rất thích thú với mặt hàng vải có nguồn gốc hữu cơ và từ nguyên liệu tái chế, do đó họ đặt hàng những mặt hàng này với số lượng rất lớn. Ông Trần văn Quy – Tổng giám đốc công ty cho biết: “Với tín hiệu này, chúng tôi có thể tăng trưởng 35- 40% trong năm nay. Thuận lợi là nhà máy được đầu tư đồng bộ công nghệ tiên tiến của Đức nên có thể chuyển đổi 100% công suất, sản xuất khoảng 300 tấn vải hữu cơ một tháng theo yêu cầu của nhãn hàng”.
Nhờ thay đổi mô hình sản xuất, đổi mới quy trình tiến tới sự bền vững trong tương lai, các doanh nghiệp đã đạt được các thành tựu đáng nể, thu về doanh thu và lợi nhuận khủng. Những doanh nghiệp tiên phong trong việc đổi mới quy trình, xây dựng nhà máy xanh thế này sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp khác thay đổi, tạo ra làn sóng xanh cho sản xuất, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.
Tác giả: InterLOG tổng hợp và biên tập