Chiều ngày 19/7, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hội thảo trực tuyến "Tầm quan trọng trong việc tái sử dụng Container rỗng"
Quang cảnh hội thảo
Đây là chủ đề đang được sự quan tâm rất lớn trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng rất cao, doanh nghiệp cần cắt giảm chi phí sản xuất nhằm tối đa hoá lợi nhuận.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký VLA lcho rằng, việc làm sao để tái sử dụng vỏ container (cont) rỗng không chỉ liên quan tới các doanh nghiệp vận tải, hãng tàu mà cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chủ hàng trong mục tiêu tối ưu chi phí hiện nay.
Với các hãng tàu, việc tái sử dụng vỏ cont rỗng giúp tăng hệ số sử dụng vỏ, có ý nghĩa trong giai đoạn khan hiếm vỏ cont gần đây do tình trạng tắc nghẽn các cảng trên toàn cầu. Đối với các doanh nghiệp chủ hàng, việc tái sử dụng mang lại lợi ích tối ưu về vận tải 2 chiều, cắt giảm chi phí vận tải, góp phần nâng cao hiệu quả chung của toàn ngành logistics, cũng là giải pháp cắt giảm phát thải carbon, Tổng thư ký VLA chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký VLA;
Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc InterLOG
Tại Hội thảo, theo các chuyên gia, hoạt động tái sử dụng và trao đổi container rỗng còn khá mới tại Việt Nam nên chưa nhiều doanh nghiệp tham gia.
Tuy nhiên, tại một số quốc gia như Singapore, Thái Lan, mô hình này đang được triển khai và phát triển, đạt được những kết quả ấn tượng. Như tại Thái Lan, theo báo cáo tháng 6/2022, mỗi tháng, khách hàng trao đổi và tái sử dụng khoảng hơn 900 container.
Theo khảo sát, các doanh nghiệp hiện nay đa phần tái sử dụng vỏ container thông qua các phương thức truyền thống như các chủ hàng, công ty vận tải tự kết nối, liên hệ, rồi xin phép các hãng tàu cho tận dụng.
Việc tái sử dụng vỏ container rỗng có ý nghĩa trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao, doanh nghiệp cần cắt giảm chi phí sản xuất nhằm tối đa hoá lợi nhuận. Thế nhưng, do mô hình tái sử dụng vỏ cont tại Việt Nam chưa được ứng dụng nhiều nên cũng tồn tại không ít bất cập.
Chuyên gia chia sẻ về giải pháp và thực trạng tái sử dụng container rỗng
Bà Cao Thị Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty Cảng Năng lượng Bình Dương cho rằng, mô hình này có thể làm thay đổi mô hình các depot trong tương lai. Hiện nay, depot là nơi chứa, cấp phát, giám định, sửa chữa (theo yêu cầu) cont rỗng trước khi được các chủ hàng giao cho chủ hàng mới.
Trường hợp tái sử dụng vỏ container thì luồng vận chuyển sẽ thay đổi. Thay vì đưa vỏ cont tới depot để giám định, sửa chữa thì chủ hàng có thể đưa vỏ rỗng thẳng đến kho của khách đặt để đóng hàng.
Tuy nhiên, theo bà Cao Thị Quỳnh Giao, mỗi 5 năm, một container phải tái kiểm tra để xét khả năng đủ điều kiện đóng hàng hay không. Trường hợp tái sử dụng nhiều lần mà không qua kiểm tra, các vỏ cont có khả năng bị mài mòn, các răng bị hở làm tăng khả năng nước biển, mưa mặn xâm nhập.
Do đó, để đảm bảo vỏ rỗng đủ điều kiện vận chuyển, cần nhân viên có hiểu biết, kiến thức để kiểm tra khi sử dụng.
Do đây là mô hình mới tại Việt Nam, Tổng thư ký VLA đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam quan tâm tới khía cạnh pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia. Tổng thư ký VLA cũng đề xuất cơ quan chức năng cần có những nghiên cứu, quản lý tình trạng các depot để biết tình trạng vỏ rỗng hiện nay đang như thế nào, mất cân bằng ra sao.
Nguồn: Tạp chí Vietnam Logistics Review