Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Thuế VAT giảm còn 8% từ ngày 01/07/2023

04/07/2023
Quốc hội đã thông qua nghị quyết 43/2022/QH15 thực hiện giảm 2% thuế Giá trị gia tăng (VAT), có hiệu lực từ ngày 01/07/2023 đến ngày 31/12/2023. Việc giảm thuế này không áp dụng với một số nhóm ngành như viễn thông, bất động sản, chứng khoán,...

Chiều ngày 24/06/2023, Quốc hội thông qua nghị quyết chung tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong đó có nghị quyết giảm 2% thuế VAT, từ 10% xuống 8%. Việc giảm thuế này hiện tại chỉ áp dụng cho nửa cuối năm 2023.

Trước đó, vào ngày 01/06/2023, tại cuộc họp thảo luận về giảm thuế VAT, ông Trần Chí Cường - Phó trưởng đoàn chuyên trách TP. Đà Nẵng đưa ra ý kiến nới thời gian giảm thuế đến cuối năm 2024 để tránh tình trạng chính sách áp dụng trong khoảng thời gian quá ngắn, chưa phát huy tối đa được hiệu quả, khiến cho các tỉnh thành khó cân đối việc giảm nguồn thu thuế và cân đối thu chi. Bà Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đồng ý kiến khi cho rằng nới lỏng thời gian giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024, thậm chí có thể kéo dài tới hết năm 2025. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói rằng biện pháp tạm thời và áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023 là hợp lý, phù hợp với việc cân đối ngân sách. Chính sách này chủ yếu được dùng để kích cầu tiêu dùng, giải quyết khó khăn tức thời.

Chính sách được thông qua tại Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ năm, nguồn: Sưu tầm

Như vậy, thuế VAT sẽ được giảm về 8%, nhưng không áp dụng với nhóm ngành hàng viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc loại trừ này cũng gây ra một số khó khăn trong việc khai báo thuế. Các doanh nghiệp, các cơ quan thuế, hải quan lo lắng và e ngại khi xác định mặt hàng đó có thuộc diện được giảm thuế hay không, nếu xác định sai sẽ dẫn đến nguy cơ bị kỷ luật và xử phạt sau này.

Chính phủ ước tính ngân sách nhà nước sẽ hụt khoảng 24.000 tỷ đồng vào nửa cuối năm nay khi chính sách giảm thuế này được áp dụng. Do đó, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về phương án bù đắp các khoản thu bị giảm và cách thức cân đối ngân sách nửa cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, nhờ vào việc giảm thuế xuống còn 8%, người dân sẽ tiết kiệm được một khoảng chi phí cho mua sắm hàng ngày và giúp kích cầu tiêu dùng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn toàn cầu, công ty nào cũng ngấp nghé chính sách cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương thưởng thì việc giảm thuế VAT này chính là một điểm sáng giúp cho người dân nhẹ gánh được phần nào.

Khác với các loại thuế khác, thuế VAT là loại thuế đặt gánh nặng lên vai doanh nghiệp và cả người tiêu dùng, do đó khi loại thuế này được giảm thì cả doanh nghiệp và người dân đều được hưởng lợi. Chính sách này trực tiếp giảm giá bán ra của hàng hóa cho người tiêu dùng cuối cùng. Đối với các doanh nghiệp, hàng hóa được đẩy đi nhanh hơn do người dân thấy giá giảm sẽ mua sắm nhiều hơn, kích cầu tiêu dùng.

Người dân có xu hướng mua sắm nhiều hơn khi thuế VAT giảm 2%, nguồn: Sưu tầm

Tuy nhiên, để chính sách này thật sự phát huy tác dụng, TS. Phạm Thị Thanh Xuân (Đại học kinh tế - Luật TP HCM) cũng đưa ra quan điểm, bà cho rằng cần có chính sách ổn định giá toàn quốc để tránh chuyện giảm thuế một đồng mà giá cả lại tăng hai đồng. Cùng với đó, đẩy nhanh xử lý hồ sơ hoàn thuế còn tồn đọng để giải phóng dòng tiền cho doanh nghiệp, công tác truyền thông cho người tiêu dùng cũng cần làm mạnh và nhanh để tăng hiệu ứng.

Tác giả: InterLOG tổng hợp và biên tập
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi