Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới

Việt Nam sử dụng vị trí địa lý, lao động trẻ, môi trường kinh doanh cải thiện, ký kết FTA để thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế.

Việt Nam có những yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, lực lượng lao động trẻ và dồi dào, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam tham gia sâu rộng vào hợp tác kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết và thực thi hàng loạt các hiệp định FTA trong đó có nhiều nước lớn… Nhờ vậy, Việt Nam tiếp tục trở thành nước có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới.

Vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới

Sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam từ một quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới

Ảnh minh họa

Việt Nam với vị trí địa lý chiến lược khi nằm ở vị trí huyết mạch của nền kinh tế khu vực nơi có các nền kinh tế phát triển mạnh và năng động; là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực. Chính sách đối ngoại của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt với các nước lớn ngày càng có vị thế quan trọng. Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2020, Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, Việt Nam vẫn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn và nhiều nhà máy phải đóng cửa, Việt Nam vẫn làm tốt và ngày càng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 năm 2021 tiếp tục khởi sắc, khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%.

Trong tháng 11/2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 59,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 599,12 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD. Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao (4-5%).

Việt Nam có sự ổn định về chính trị, xã hội, cam kết tạo mọi thuận lợi về thể chế, thủ tục hành chính, quan tâm tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động tại thị trường Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/11/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 6,28 tỷ USD, chiếm 44,7% tổng vốn đăng ký cấp mới. Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2021, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 5,35 tỷ USD, chiếm 38,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 2,71 tỷ USD, chiếm 19,3%; Trung Quốc 1,63 tỷ USD, chiếm 11,6%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 1,56 tỷ USD, chiếm 11,1%; Hàn Quốc 1,06 tỷ USD, chiếm 7,5%; Hoa Kỳ 371,6 triệu USD, chiếm 2,6%.

Mặt khác với việc nhanh nhạy, tận dụng tốt những lợi thế từ các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng, doanh nghiệp nhiều ngành hàng lớn đã khai thác tốt thị trường có FTA để tận dụng ưu đãi thuế quan. Nếu năm 2020, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%; thì 11 tháng năm 2021, đã có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%. Việc tham gia nhiều liên kết kinh tế quan trọng trên thế giới đã tạo nên sự đa dạng trong chuỗi cung ứng của Việt Nam, giúp giảm thiểu tác động từ các rủi ro thương mại quốc tế.

Ngoài ra, lực lượng lao động cũng giúp củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với thị trường lao động trong khu vực. Việt Nam hiện có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có kỹ năng và khả năng nắm bắt các tiến bộ công nghệ, mức chí phí cho lao động thấp. Theo Tổng cục Thống kê, quý III năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 49,1 triệu người; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 65,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 26,1%.

Nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 khiến nhiều nước đánh giá lại sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, tăng cường năng lực tự chủ, chủ nghĩa dân tộc, xu hướng hướng nội, bảo hộ tiếp tục gia tăng. Dịch chuyển đầu tư, sắp xếp lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu tiếp tục được thúc đẩy với động lực chính nhằm phân tán hoặc giảm thiểu rủi ro. Do đó trong thời gian tới, các hoạt động cạnh tranh trong thu hút đầu tư và tham gia chuỗi cung ứng giữa các nước đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động như các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Mê-hi-cô, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra quyết liệt hơn.

Vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới

Ảnh minh họa

Để tiếp tục nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới, thực hiện Kết luận số 77-KL/ TW, ngày 5/6/2020, của Bộ Chính trị “Về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước” với những định hướng, các giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay cũng như các giải pháp thực hiện trong dài hạn, Bộ Công Thương đã tích cực làm việc với các địa phương để định hướng tốt hơn cho các ngành công nghiệp địa phương, từ đó thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế, tạo cơ sở phát triển mô hình tổ chức lãnh thổ, tổ chức sản xuất, kinh doanh mới; hình thành các cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên thông; tạo không gian phát triển mới, chuỗi cung ứng mới. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá đúng và thực chất xu hướng chuyển dịch đầu tư, tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu để có đối sách phù hợp; chủ động tiếp cận, vận động các tập đoàn lớn, nhất là các tập đoàn công nghệ thu hút đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp trọng điểm.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng triển khai xây dựng các chính sách cho các ngành công nghiệp hạ nguồn nhằm tạo dung lượng thị trường phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa và thu hút đầu tư. Cụ thể, triển khai xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giầy đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giầy giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, qua đó tập trung tháo gỡ các khó khăn về nguyên liệu, phụ liệu, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế, sản xuất; nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may, da giầy hướng tới xanh hóa; Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới để đưa ngành dệt may, da giầy tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; Xây dựng Nghị định về phát triển ngành cơ khí trọng điểm; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Các trung tâm này đã và đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam, như Toyota, Mitsubishi, Canon,... nhằm tổ chức các chương trình tìm kiếm, kết nối các nhà cung cấp phù hợp tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn này.

Bộ Công Thương xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy định về năng lượng, xuất xứ hàng hóa để ngăn ngừa dòng đầu tư chất lượng thấp, đầu tư lẩn tránh thuế quan, từ đó kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ động triển khai các biện pháp để tận dụng cơ hội thị trường, giảm thiểu khó khăn, phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới, qua đó, định hình và xác lập vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh việc xây dựng các chính sách và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy định, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các hiệp định FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu. Tập trung thực hiện cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, khai thác tốt và đa dạng hóa thị trường ngoài nước, tránh phụ thuộc vào một số thị trường trong tình hình mới.

Tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu; kết nối, hợp tác để tăng cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số như: Thương mại điện tử, tài chính số..., tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái số.

Tận dụng tối đa lợi thế của Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, việc đáp ứng cho các hoạt động kinh tế cũng cần phải quan tâm tới các yếu tố khác như: Hoạt động thân thiện với môi trường; đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, kiến thức, đảm bảo phúc lợi, điều kiện làm việc, sức khỏe… hướng đến không chỉ làm tốt trong nội địa mà còn vươn ra thế giới. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong chính bộ máy vận hành, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu trong điều kiện bình thường mới./.

Nguồn: Tạp chí Con số & Sự kiện

Tác giả:
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi
Tin tức liên quan