Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Việt Nam còn bỏ ngỏ nhiều cơ hội trong CPTPP

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 14/1/2019, tuy nhiên đến nay Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các cơ hội mà CPTPP mang lại.

Đã hơn 4 năm kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực, song nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tận dụng cơ hội xuất khẩu. Giữa lúc đang từng bước tiếp cận với hiệp định thì đại dịch Covid-19 bùng nổ càng khiến cho các doanh nghiệp lao đao, khó khăn chồng chất khó khăn về giá cước vận tải, giá thành sản xuất tăng cao, nguồn cung ứng nguyên liệu hạn hẹp,…

Ngành xi măng Việt Nam là một ví dụ điển hình cho sự chật vật khi áp dụng Hiệp định CPTPP. Thách thức lớn nhất ở đây chính là vị trí địa lý, do khoảng cách quá xa nên chi phí vận chuyển khá cao. Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: “Sau Covid-19, Việt Nam dần khắc phục được khó khăn nhưng các nước khác vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến sự đầu tư gặp nhiều trắc trở. Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào khá lớn, cộng thêm phí vận chuyển tăng giá làm cho tình hình buôn bán nội địa và xuất khẩu gặp nhiều thử thách.”

Các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP, nguồn: Sưu tầm

Mặt khác, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại với các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng cao của các thị trường trong CPTPP. Các thị trường khắt khe như Canada đòi hỏi tiêu chuẩn cao về sản phẩm, cộng thêm quy trình sản xuất phải đảm bảo các trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với môi trường, đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động,…

Bên cạnh đó, hàm lượng nội địa trong các sản phẩm xuất khẩu vẫn chưa được cao (ví dụ Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản dưới dạng sản phẩm thô, sản phẩm đông lạnh), làm cho giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) khuyến nghị: “Tôi cho rằng thời gian tới bên cạnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu, cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm của Việt Nam, hướng tới sản phẩm xanh, bền vững. Luôn tìm hiểu cái gì thị trường cần với phương châm Không bán cái ta có mà phải bán cái thị trường cần.”

Ngoài ra, có tình trạng doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy như vậy là “đủ” rồi nên không khai thác thêm các lợi ích từ Hiệp định CPTPP. Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng: “Lí do của tình trạng này là vì doanh nghiệp ngại xây dựng thương hiệu và chấp nhận “an phận thủ thường”, chấp nhận gia công thuần túy, chưa muốn nhiều hơn nữa. Hoặc một tình huống khác, đại diện một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hạt điều cho biết, họ không làm thương hiệu vì doanh nghiệp họ làm hàng gia công, có đơn hàng là họ làm, dán nhãn mác của nhà nhập khẩu. Vì số lượng đặt hàng rất lớn nên doanh nghiệp họ cũng không tha thiết để làm hàng thương hiệu.

Thêm một điểm bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam là thiếu nguồn lực về tài chính, nhân lực, máy móc thiết bị hiện đại. Để có thể đáp ứng được các yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, cần phải thay đổi quy trình sản xuất cũng như áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhưng điều này đòi hỏi rất nhiều chi phí và nhân lực có tay nghề cao.  

Một thực tế cho thấy rằng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đóng góp một phần khá lớn trong tổng giá trị xuất khẩu sang nước ngoài. Cụ thể đối với thị trường Canada, khu vực FDI đóng góp đến 80% giá trị xuất khẩu cả ở lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ nội thất. Trong khi đó, ở các lĩnh vực này, doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5% tổng giá trị xuất khẩu. Khu vực công nghiệp nội địa đóng góp khoảng 11% vào tổng giá trị xuất khẩu của sản phẩm nhựa, cao su, sắt thép, nhôm, hóa chất, gốm sứ. Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp FDI.

Theo bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada, mặc dù chưa có có một thống kê cụ thể số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu bằng thương hiệu riêng nhưng thực tế số lượng doanh nghiệp có thương hiệu xuất khẩu cũng rất khiêm tốn, nhất là với các thị trường CPTPP. Riêng tại thị trường Canada, hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường này đến nay vẫn được hưởng cả ưu đãi thuế quan theo MFN, GSP và CPTPP. Sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực thì sản lượng xuất khẩu của các mặt hàng được miễn thuế suất 0% như điện thoại, thủy sản, rau củ quả, gạo, hạt điều tăng đột biến.

Xuất khẩu tôm tăng mạnh nhờ hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP, nguồn: Sưu tầm

Mặc dù vậy, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu sang Canada vẫn chưa cao, mới đạt khoảng 18%; 81% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN và khoảng dưới 1% vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan GPT (thuế quan ưu đãi do Canada áp dụng cho các nước đang và kém phát triển), GSP. Tỉ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của CPTPP của hàng xuất khẩu sang Canada trong 5 năm qua tăng đều nhưng khoảng 60% các sản phẩm (khoảng 4 tỷ USD) vẫn chưa tận dụng được thuế quan bằng 0.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược tác chiến cụ thể để có thể khai thác, tận dụng hết cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của mình.

 

Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi