Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Việt Nam trước cú sốc thuế quan 46% từ Mỹ: Tác động và kịch bản ứng phó

04/04/2025
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế nhập khẩu mới, đánh dấu một bước ngoặt lớn và cấp bách trong chiến lược thương mại của Mỹ.

Mỹ công bố áp thuế đối ứng cao với một loạt các quốc gia

Theo đó, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ chịu mức thuế rất cao – lên tới 46%, gần như là cao nhất trong số các nước bị ảnh hưởng. Trung Quốc cũng nằm trong nhóm bị áp thuế mạnh, với mức 34%.

Mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4, sau khi sắc lệnh được ký ngay trong ngày công bố. Ngoài ra, một mức thuế 10% sẽ áp dụng đồng loạt cho toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4, trước khi bước vào giai đoạn đánh thuế đối ứng cao hơn.

Chính sách này được ông Trump ca ngợi là một phần của tuyên bố “độc lập kinh tế”, với mục tiêu đưa việc làm và sản xuất trở lại Mỹ, giảm giá hàng hóa nhờ tăng cạnh tranh nội địa. Tuy nhiên, ngay lập tức, thị trường tài chính phản ứng tiêu cực: chỉ số S&P 500 và Nasdaq tương lai lao dốc, giá vàng lập đỉnh lịch sử, phản ánh sự lo ngại của giới đầu tư.

Mức thuế Mỹ áp dụng với từng đối tác thương mại
Mức thuế Mỹ áp dụng với từng đối tác thương mại, nguồn: Sưu tầm

Ngành hàng nào của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất?

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế nhập khẩu cao hơn đối với hàng hóa từ Việt Nam sẽ tạo ra áp lực đáng kể lên cả doanh nghiệp sản xuất và giới hoạch định chính sách trong nước. Đáng chú ý, mức thuế mà Mỹ áp lên Việt Nam lên tới 46%, trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam lại chỉ phải chịu thuế suất thấp hơn đáng kể, làm gia tăng tính cạnh tranh bất lợi trên thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đình Duy, CFA – Giám đốc và chuyên gia phân tích cao cấp tại VIS Rating, một tổ chức chuyên về xếp hạng tín nhiệm – nhận định rằng các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam có mức độ phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Cụ thể là các ngành: điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Đây đều là những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ, với nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu phụ thuộc cao vào thị trường này.

Theo số liệu từ Cục Hải Quan, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ thị trường này 15,1 tỷ USD. Có 15 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, trong đó 3 nhóm áp đảo gồm máy tính - linh kiện với 23,2 tỷ USD; máy móc thiết bị và dệt may lần lượt 22 tỷ và 16,2 tỷ USD.

Điện thoại, gỗ hay giày dép cũng là nhóm hàng đem lại giá trị lớn, dao động 8,3-9,8 tỷ USD. Nông sản cũng có đóng góp quan trọng, như hạt điều và thủy sản lần lượt 1,15 tỷ và 1,83 tỷ USD hay cà phê gần 323 triệu USD. 

Tuy nhiên, ông Duy cũng cho rằng mức độ tác động sẽ mang tính phân hóa, phụ thuộc vào từng ngành và từng doanh nghiệp cụ thể. Đối với các tập đoàn đa quốc gia đang đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và thiết bị máy móc, khả năng thích ứng linh hoạt hơn có thể được kỳ vọng – chẳng hạn như việc chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc quy trình hoàn thiện sản phẩm sang các quốc gia khác để tránh ảnh hưởng trực tiếp từ mức thuế mới.

Kinh tế Việt Nam sẽ chịu những tác động gì từ mức thuế 46% của Mỹ?

Trong ngắn hạn, việc sụt giảm giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đặc biệt ở các ngành chủ lực như dệt may, da giày và điện tử, đang gây ra những khó khăn đáng kể cho các doanh nghiệp gia công, chế biến tại Việt Nam. Do khối doanh nghiệp xuất khẩu đang sử dụng khoảng 30% lực lượng lao động trong nước, việc đơn hàng sụt giảm không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất mà còn kéo theo nguy cơ cắt giảm việc làm và giảm thu nhập người dân, từ đó làm suy yếu sức tiêu dùng nội địa. Tác động tiêu cực này có thể kéo giảm sự tăng trưởng GDP, khiến Việt Nam khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% vào năm 2025.

Về trung và dài hạn, nếu tình trạng suy giảm xuất khẩu kéo dài, nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ gia tăng hàng tồn kho và suy giảm lợi nhuận do chưa kịp chuyển hướng thị trường tiêu thụ. Việc nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu sụt giảm cũng có thể tạo áp lực mất giá lên đồng Việt Nam (VND), làm gia tăng chi phí nhập khẩu, kéo theo lạm phát kéo dài và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – vốn là một động lực tăng trưởng quan trọng – cũng có thể suy giảm, khi các tập đoàn đa quốc gia cân nhắc chuyển dịch cơ sở sản xuất sang những quốc gia ít chịu tác động hơn, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam trong dài hạn.

Một số rủi ro có thể xảy ra và biện pháp ứng phó
Một số rủi ro có thể xảy ra và biện pháp ứng phó
Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi