Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Xuất nhập khẩu giảm tốc - Khó khăn trong mùa lạm phát toàn cầu

Càng về thời điểm cuối năm, tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam càng hiện rõ dấu hiệu giảm tốc trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là những thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam thời điểm cuối năm

Tình hình XNK

Năm 2022 được dự báo là một năm tăng trưởng trở lại của nền kinh tế sau biến động của Covid 19. Tuy nhiên đến cuối quý 2, đầu quý 3, tình hình thực tế dường đi đã đi ngược lại mọi dự đoán. Nguyên nhân của sự ngược dòng - cản trở tăng trưởng là do: dịch bệnh Covid kéo dài, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Cùng với nhau, chúng tạo ra một thời kỳ "biến động" về kinh tế, địa chính trị và sinh thái.

Theo báo cáo, cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục "gây bất ổn mạnh mẽ cho nền kinh tế toàn cầu", với những tác động của nó gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng "nghiêm trọng" ở châu Âu, cùng với sự tàn phá ở chính Ukraine. Giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn bốn lần kể từ năm 2021, vì Nga hiện cung cấp ít hơn 20% mức năm 2021. Giá lương thực cũng bị đẩy lên do xung đột. Các nước châu Âu đang có tỷ lệ lạm phát trên 10%, Mỹ trên 8%.... IMF dự đoán rằng lạm phát toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2022, tăng từ 4,7% vào năm 2021 lên 8,8% và nó sẽ "tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn dự kiến ​​trước đây."

"Chính sách zero-Covid" của Trung Quốc - và kết quả là các đợt phong toả - tiếp tục cản trở nền kinh tế của nước này. Tài sản chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế Trung Quốc, và khi thị trường gặp khó khăn, sự phân chia tiếp tục diễn ra trên toàn cầu. Đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, các cú sốc năm 2022 sẽ "khơi lại vết thương kinh tế vốn chỉ được chữa lành một phần sau đại dịch,"

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 10/2022 (từ ngày 01/10 đến ngày 15/10/2022), trị giá xuất khẩu đạt 14,11 tỷ USD, giảm 17,5% so với kỳ 2 tháng 9/2022. Sự suy giảm này chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh; trong khi các các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh…

4 mặt hàng xuất khẩu cao
Thống kê 4 mặt hàng xuất khẩu cao trên 1 tỷ USD
(Giai đoạn từ 1/10/2022 - 15/10/2022)

Nhiều doanh nghiệp đói đơn hàng trầm trọng

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao và áp lực đồng đô la Mỹ tăng giá, nhiều nhà sản xuất đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong kinh doanh, đơn cử là là tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu kéo dài ít nhất đến hết quí 1-2023. Trước diễn biến phức tạp và giảm sốc của thị trường xuất nhập khẩu thế giới, nhiều hệ lụy dần hiện rõ. Cùng với xu hướng giảm sản lượng và giá cước tiếp tục mà chưa có điểm dừng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã nhận định sẽ “không có mùa cao điểm” trong những tháng cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh lượng đơn hàng đã giảm tới 30-40% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là hàng xuất đi khu vực Mỹ và EU. Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội VLA cho biết sản  lượng hàng hoá vận chuyển có dấu hiệu sụt giảm từ tháng 5 vừa qua. Và tình hình không những không cải thiện mà càng trở nên trầm trọng trong 2 tháng gần đây. Thực tế, từ tháng 8 đến tháng 10 là “mùa cao điểm” của logistics đường biển và từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau là đỉnh của logistics hàng không. Tuy nhiên, năm nay việc này có vẻ sẽ không xảy ra và “mùa cao điểm” sẽ không bao giờ tới. Theo đó, do nền kinh tế toàn cầu khó khăn, phía đối tác vận chuyển thiếu đơn hàng trong mùa cao điểm cuối năm. Không chỉ vậy, giá cước vận chuyển, giá thuê container trong tháng 10 đã giảm 60% so với mức đỉnh tháng 4, xu hướng “lao dốc” của giá cước sẽ tiếp tục mà chưa có điểm dừng.

Ông Đào Trọng Khoa
Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội VLA

Nhà máy cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng

Cùng lãnh chịu hậu quả từ tình hình giảm sốc của thị trường xuất nhập khẩu, các nhà máy sản xuất phải đối mặt với việc đơn hàng giảm, thiếu nguyên phụ liệu sản xuất. Theo đó, nhiều nhà máy phải cắt giảm hàng nghìn lao động thay vì tuyển người vào những tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), cho biết tình hình chung hiện nay các nhà máy dệt may, da giày, điện tử bị giảm đơn hàng do khó khăn trong tìm kiếm nguyên phụ liệu, hàng khó xuất.
Theo số liệu Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, trong tháng 10 có hơn 10.440 người mất việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng số người mất việc 10 tháng qua là gần 128.000 người, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty TNHH Việt Nam Samho ở Củ Chi bị thương hiệu giày nổi tiếng cắt toàn bộ đơn hàng khiến công suất của nhà máy giảm 30%, tương ứng 3.000 lao động không còn việc để làm. Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch công đoàn công ty, nói rằng đầu năm nhà máy bỏ rất nhiều chi phí để tuyển mới 1.500 công nhân, tuy nhiên đến nay tình thế đảo ngược hoàn toàn.

Tương tự, hai tháng qua Công ty TNHH T.H, 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất giày xuất khẩu, thị trường chủ yếu châu  u, ở quận Bình Tân không có đơn hàng để sản xuất nên dự kiến cắt giảm gần 1.400 trong tổng số hơn 1.800 lao động vào tháng 12 tới.

Đối mặt nguy cơ mất việc cũng là tình trạng của khoảng 100 công nhân Công ty TNHH Tashuan, sản xuất nhựa tổng hợp, đóng ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân). Do hết đơn hàng và tài chính khó khăn, từ ngày 24/10 doanh nghiệp bố trí cho công nhân nghỉ luân phiên, chỉ làm việc một số ngày trong tuần. Công ty cũng thông báo từ 5/11, nhà máy đóng cửa hai xưởng cho tới khi có đơn hàng.

Bà Phạm Thị Châu, Trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Vexos Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho hay hơn tháng qua nhà máy bị thiếu nguyên phụ liệu và không xuất được hàng. Nếu duy trì số lao động như hiện tại, công nhân không còn tăng ca nhiều như trước. Theo bà Châu, giám đốc công ty cũng chỉ cho nghỉ 3%, nhà máy đang xoay xở để có việc, đảm bảo thu nhập, giữ chân công nhân.

Trước tình trạng lao động liên tục bị cắt giảm, công đoàn đã tham gia thương lượng với lãnh đạo doanh nghiệp nhằm để đưa ra các chính sách, phương án khác nhau để đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ về tiền lương, thưởng Tết... cho công nhân theo quy định. Công đoàn cũng đề nghị công ty không được cắt giảm các trường hợp mang thai và nuôi con nhỏ, hỗ trợ tìm việc cho những người có nhu cầu. duy trì lợi ích, hoặc cắt giảm tổn thất của lao động. Nhưng đồng thời, các doanh nghiệp vẫn phải cân bằng với những tổn thất nhà máy gặp phải khi phải liên tục thu hẹp sản xuất.

Những ngành sản xuất thiết yếu cũng sụt giảm

“Không chỉ ngành hàng không thiết yếu mà ngay cả các lĩnh vực sản xuất đồ uống, gia vị… vốn khá cần thiết trong đời sống tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu.”

Tình hình xuất khẩu cuối năm
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó giám đốc Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt (Viet Pepper), cho biết tình hình sản xuất kinh doanh mặt hàng hàng gia vị các loại với thị trường trong nước (chiếm 30%) và xuất khẩu (70%) đều bị sụt giảm mạnh trong 9 tháng vừa qua. Trong đó, các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc ghi nhận tổng doanh thu giảm 35% so với cùng kỳ những năm trước đó.
Đáng chú ý, tháng 9 vừa qua xuất khẩu của Viet Pepper giảm đến gần 70%, bình thường mỗi tháng xuất 8-9 container, trong khi tháng vừa qua chỉ còn xuất khoảng 2-3 container.

“Từ tháng 5-9 vừa qua, Viet Pepper đi một vòng các cuộc hội chợ – triển lãm quốc tế ở châu Âu và Mỹ, ghi nhận tình hình mua sắm sụt giảm nhiều, người dân thắt chặt chi tiêu. Thế nhưng, tiêu chuẩn chất lượng mua hàng tại các thị trường này lại được nâng cao lên với các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn so với trước đây”, bà Thương chia sẻ, và cho biết: “Một số thị trường châu  Âu trước đây công ty đưa hàng vào được nhưng hiện tại lại không bán được hàng vì hàng rào kỹ thuật đặt ra cao hơn trước”.

Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link