Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

[Nhớ ơn Tiền nhân] Viếng thăm nhà lưu niệm Cụ Phan Bội Châu - Một bậc chí sĩ yêu nước trong phong trào Đông Du

Ngày 22/07/2023 vừa qua, InterLOG đã dừng chân tỏ lòng thành kính viếng thăm và dâng hương tại nhà lưu niệm của Cụ Phan Bội Châu, thành phố Huế - nơi kỷ niệm 1 cuộc đời đáng kính của anh hùng dân tộc Việt Nam.

Tiểu sử

Phan Bội Châu (1867 – 1940), là một danh sĩ, nhà cách mạng Việt Nam, và hoạt động trong thời kỳ Pháp thuộc đầu thế kỉ XX. Ông nổi tiếng thông minh từ bé, năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện, 16 tuổi đỗ đầu xứ, 33 tuổi đã đỗ đầu kì thi Hương ở Nghệ An sau 10 năm thi suốt không đỗ.

Phần lớn cuộc đời của Cụ Phan Bội Châu đã cống hiến cho sự nghiệp độc lập tự do của dân tộc, là tấm gương sáng giữa bão táp, lan truyền tinh thần yêu nước và gắn kết tinh thần đoàn kết Cách Mạng.

Phong trào Đông Du

Trong vòng 5 năm sau khi đỗ Giải nguyên, ông bôn ba khắp nước Việt Nam liên kết với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành), Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Thân, Hồ Sĩ Kiện, Lê Huân, Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Lê Đại để cùng họ chống Pháp. Ông chọn một hoàng thân nhà Nguyễn, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, làm lãnh tụ phong trào Cần Vương.

Năm 1904, ông cùng 20 đồng chí họp mặt tại Quảng Nam để thành lập Hội Duy Tân.

Năm 1905, ông cùng Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc rồi sang Nhật Bản để gặp gỡ các nhà cách mạng Nhật và Trung Quốc và cầu viện trợ tài chính cho phong trào do ông thành lập. Tại Trung Quốc ông gặp Lương Khải Siêu, và được khuyên nên dùng thơ văn để thức tỉnh lòng yêu nước của dân Việt. Nghe lời khuyên, ông viết nhiều tác phẩm có tác động lớn với sĩ phu trong nước (Việt Nam Quốc sử khảo (1909), Ngục Trung Thư, Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư,Việt Nam Vong Quốc Sử, Việt Nam Quốc sử bình diễn ca (1927) …). Cùng thời điểm này chiến thắng của Nhật Bản tại trận Tsushima trong Chiến tranh Nga-Nhật đã tạo nên nhiều lạc quan trong các phong trào chống thực dân ở châu Á. Do đó, các tác phẩm của ông đã tạo nên một làn sóng mới thúc đẩy nhiều thanh niên yêu nước tham gia phong trào Đông Du, xuất ngoại học tập để tìm đường chống Pháp.

Ngày 30 tháng 6 năm 1925, ông lại bị Pháp bắt tại Hàng Châu, ông bị dẫn giải về Hà Nội và xử án chung thân khổ sai. Về sau, bản án được đổi lại thành án quản thúc tại gia. Theo Việt Nam Pháp Thuộc Sử, ông được giảm án vì phản ứng mạnh mẽ của toàn dân đối với nhà cầm quyền Pháp.

Từ năm 1926, ông bị đưa về sống ở Bến Ngự, Huế, cho đến khi mất tại Huế vào năm 1940. Lúc đó ông được gọi là Ông già Bến Ngự.

Phác thảo chân dung chí sĩ Phan Bội Châu - người anh hùng dân tộc Việt Nam

Phan Bội Châu với phong trào Duy Tân được xem là cuộc chấn hưng tri thức cho quần chúng nhân dân đầu thế kỉ XX, thúc đẩy nhiều trường học hoạt động sôi nổi theo xu hướng mới, tạo cơ sở cho phong trào yêu nước giành độc lập phát triển mạnh mẽ về sau.

Ghé thăm và dâng hương tại nhà của cụ Phan Bội Châu

Bằng tinh thần uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn bậc tiền nhân, InterLOG đã có mặt tại nhà lưu niệm Cụ Phan Bội Châu tại thành phố Huế - một ngôi nhà được chính tay Cụ thiết kế và được cụ Võ Liêm Sơn bắt tay xây dựng, là 1 chứng tích lịch sử được Việt Nam công nhận là di sản văn hóa.

Đoàn InterLOG dâng hương đến cụ Phan Bội Châu tại nhà lưu niệm của cụ

Tấm bia khắc “Lời tự minh sanh huyệt Phan Bội Châu” tại nhà lưu niệm của cụ
Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt - Nhật từ phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu
Đoàn InterLOG chụp hình lưu niệm tại nhà của Cụ Phan Bội Châu

Nơi đây không chỉ là một di tích lịch sử quý giá mà còn là hình ảnh sống động về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ. Các tri thức, hiện vật và tư liệu tại đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những nét đẹp tinh thần và phẩm chất của một con người tài năng, kiên định và trí tuệ như Phan Bội Châu.

Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link