Dựa trên thực trạng này, các chuyên gia tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý Báo cáo quyết toán Hải quan cho doanh nghiệp hoạt động gia công – Sản xuất xuất khẩu – Chế xuất” được tổ chức bởi Công ty Cổ phần Giao nhận Tiếp vận Quốc tế (InterLOG) phối hợp cùng Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) và Cục Hải quan Bình Dương đã đi sâu, tập trung vào việc hướng dẫn chi tiết cho cấp thực thi ở bộ phận chuyên trách của doanh nghiệp (Phòng Xuất Nhập khẩu) cách quản lý hiệu quả báo cáo quyết toán hải quan, quản lý chặt chẽ dòng nguyên vật liệu ra vào, tránh tình trạng số liệu trên Báo cáo quyết toán Hải quan không đúng so với sổ chứng từ kế toán, tờ khai hải quan, không đúng với thực tế sử dụng, thực tế tồn kho.
Mở đầu buổi hội thảo, ông Ngô Ngọc Khánh, Phó chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) đã có bài phát biểu: “Hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và xuất nhập khẩu nguyên phụ liệu vật tư linh kiện để phục vụ sản xuất xuất khẩu là phần không thể thiếu và ngày càng gia tăng khi Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước trong những năm qua. Do đó, với sứ mệnh cao cả hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và nâng cao chất lượng quản lý, chúng tôi mong muốn tổ chức những hoạt động xuyên suốt nhằm nâng cao nhận thức và giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thực hiện Báo cáo quyết toán Hải quan từ cấp lãnh đạo đến các bộ phận liên quan như xuất nhập khẩu, kho, kế toán,...”
Trưởng phòng giám sát quản lý - Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, ông Đỗ Thanh Phong cho biết, hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa miễn thuế, là chính sách khuyến khích của nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh trong thời gian dài của Nhà nước. Báo cáo quyết toán là khâu cuối cùng, quyết định việc miễn thuế có đúng quy định và chấp nhận hay không. Để làm tốt khâu quan trọng này, một số yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp là phải có chủ trương đúng từ lãnh đạo doanh nghiệp; làm đúng ngay từ đầu, từ khâu thông báo cơ sở sản xuất, chuẩn bị hồ sơ, đăng ký tờ khai XNK, ghi chép nhập kho, xuất kho, hạch toán kế toán (đưa vào sản xuất, tồn kho các dạng, phế liệu, phế phẩm…); có hệ thống quản lý hiệu quả, kết nối chặt chẽ các bộ phận; có hệ thống kế toán minh bạch, phản ánh thực tế nghiệp vụ kinh tế phát sinh; có phần mềm quản lý chặt chẽ, có thể theo dõi, quản lý được tình hình nhập xuất tồn bất kỳ thời điểm nào. Có đội ngũ nhân sự có năng lực, nắm bắt được quy định pháp luật, thông thạo nghiệp vụ…
Đánh giá tầm quan trọng của công tác lập định mức trong báo cáo hải quan, ông Phan Hải Triều - Chuyên gia Tư vấn thủ tục Hải quan Công ty InterLOG cho biết: “Để có thể lập Báo cáo quyết toán Hải quan một cách chuẩn chỉnh và chính xác, trước tiên các doanh nghiệp cần phải có phương pháp quản trị nội bộ hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận liên quan như bộ phận Kế toán, bộ phận Sản xuất nhằm chia sẻ thông tin, đối chiếu định kì và xử lí chênh lệch kịp thời. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường hay gặp khó khăn trong quá trình xây dựng định mức cho phế liệu thu được trong quá trình sản xuất, tái chế do có quá nhiều mã phải xử lý. Do đó, nâng cao năng lực quản lý và khả năng xử lý các tình huống là việc làm cần được cải thiện.”
Liên quan đến công tác này, ông Nguyễn Mạnh Vũ – Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần, kiến nghị các doanh nghiệp: “Các đơn vị cần chủ động nắm bắt các thông tin liên quan đến cơ sở pháp lý, chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong việc thực hiện thủ tục hải quan, hiểu rõ các trường hợp hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu. Từ đó, tận dụng và tìm kiếm cơ hội cho doanh nghiệp mình. Đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp được lựa chọn Chi cục hải quan nào thuận tiện nhất (theo quy định của hải quan) để làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn phù hợp”.
Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất nhập nguyên vật liệu vào kho và xuất ra để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau: kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu… Mỗi thành phẩm cần các loại nguyên phụ liệu đầu vào khác nhau, số lượng nguyên liệu tham gia khác nhau. Do đó, nếu không biết cách quản lý các nguồn nguyên liệu, quản lý số lượng đầu vào đầu ra, quản lý phế liệu phế phẩm,… sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến chính doanh nghiệp, thậm chí gây tổn thất đến nguồn tài chính do chênh lệch về số liệu. Bên cạnh đó, khi số liệu không khớp, doanh nghiệp sẽ gặp sai sót trong việc đặt đơn hàng mới, gây ra tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa trong sản xuất, ảnh hưởng đến toàn chuỗi cung ứng.
Cũng tại hội thảo này, ông Phạm Mạnh Thy – Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý về Hải quan nêu lên thực trạng: “Các doanh nghiệp thường vi phạm một số lỗi chung không đáng có như vi phạm về thời hạn nộp, sửa đổi, bổ sung Báo cáo quyết toán Hải quan, lưu giữ hàng hóa không đúng địa điểm đã đăng kí với Chi cục Hải quan,… Các vi phạm này sẽ có mức phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng, gây ảnh hưởng đến uy tín cũng như tài chính của doanh nghiệp. Nắm rõ các lỗi sai và có giải pháp xử lý kip thời sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu tổn thất và hạn chế được các rủi ro.”
Bên cạnh đó, hội thảo còn có chuyên mục Q&A dành cho các doanh nghiệp đặt câu hỏi cho các chuyên gia trả lời. Các doanh nghiệp được chuyên gia giải đáp cụ thể, hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình lập Báo cáo quyết toán Hải quan.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của gần 400 doanh nghiệp trên cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thông qua buổi hội thảo, doanh nghiệp có được các kiến thức chuyên sâu, nắm bắt được các văn bản, nghị định pháp luật mới nhất để từ đó lập kế hoạch tác chiến cụ thể thích hợp cho doanh nghiệp của mình. Sự kiện nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp, mong muốn có thêm nhiều hội thảo bổ ích như thế này nữa. Đây là động lực rất lớn cho InterLOG và Liên minh VISA cố gắng hơn nữa để mang đến những chương trình bổ ích và thú vị cho cộng đồng doanh nghiệp.