Từ Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn; và Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực KK KNK đã chỉ ra các thách thức khi triển khai, từ đó đưa ra giải pháp và hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải carbon, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng đã nhận định 2 nguồn phát thải chính của ngành công nghiệp xây dựng là từ quá trình công nghiệp (phát thải khí nhà kính thông qua các phản ứng hóa học) và từ quá trình sử dụng năng lượng nhiên liệu hóa thạch (phát thải trực tiếp). Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện KK KNK cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên, trong đó, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm đến 90% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng năm 2022. Để có kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030, Bộ Xây Dựng ưu tiên về KK KNK và dự kiến sẽ thực hiện đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong thời gian sắp tới. Do đó, hội thảo hôm nay nhằm nâng cao kiến thức về các quy định pháp luật mới cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Đại diện cho Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA), ông Ngô Ngọc Khánh - Phó chủ tịch thường trực bày tỏ: “Việc thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính được xem là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp tự xác định số liệu phát thải của mình , từ đó làm cơ sở để nhà quản trị hoạch định chiến lược giảm phát thải bền vững. Chúng tôi mong rằng thông qua hội thảo, các doanh nghiệp sẽ nâng cao nhận thức về quy định pháp luật trong nước, quốc tế và chủ động kiểm kê phát thải sơ bộ tại doanh nghiệp mình.”
Đánh giá tầm quan trọng của việc hiểu rõ các quy định pháp luật về KK KNK cũng như cách thức phân bổ hạn ngạch phát thải, ông Lương Quang Huy – Chuyên gia Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Việt Nam đang tích cực triển khai một cách bài bản các cam kết kể từ Hội nghị COP28, cam kết đến năm 2035 phải cắt giảm khí nhà kính về 0. Do đó, các bộ ngành đã ban hành các quy định cũng như định mức phân bổ hạn ngạch phát thải cho từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thường chỉ chú trọng vào việc phát triển kinh tế mà quên đi hạn mức phát thải cho phép, dẫn đến việc vi phạm và phải nộp phạt, gây ảnh hưởng đến doanh thu cũng như uy tín của doanh nghiệp. Vì vậy , hiểu cặn kẽ và nắm rõ các quy định sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các tổn thất.”
Cũng liên quan đến công tác này, ông Hoàng Văn Tâm – Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu, chuyên viên chính Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững – Bộ Công Thương đã chia sẻ về kinh nghiệm của ngành Công Thương trong việc KK KNK tại các cơ sở sản xuất công nghiệp. Theo đó, ông Tâm đúc kết rằng để triển khai KK KNK hiệu quả trước hết phải hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu, song song đó cần nâng cao nhận thức của các bên liên quan, từng bước nâng mức độ, yêu cầu đối với KK KNK và đặc biệt đào tạo, tập huấn KK KNK cho các bên liên quan.
Hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững, ông Huỳnh Thanh Trung – Chuyên gia KK KNK, đồng thời là thành viên của Liên minh VISA đã nêu ra yêu cầu và case study thực tế, cũng như các tiêu chuẩn từ các nhà mua hàng nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật.. đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đặc biệt, ông Huỳnh Thanh Trung còn hướng dẫn cụ thể những mô hình xanh hóa như mô hình ESG, 4R… các công cụ hỗ trợ công tác KK KNK cho các doanh nghiệp. Trong đó, các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến nhãn xanh các sản phẩm ngành vật liệu xây dựng và các giấy chứng nhận liên quan như ISO 14001, NAHBGreen, Green Seal, Declare Label,... giúp doanh nghiệp có thể đánh giá, kiểm soát và giảm tác động tiêu cực đến môi trường của các hoạt động và sản phẩm.
Ngoài các diễn giả, hội thảo còn có sự góp mặt của đại diện các doanh nghiệp sản xuất, đại diện Ban quản lý Khu công nghiệp, các đơn vị cơ sở hạ tầng, năng lượng và logistics. Tại hội thảo, đại diện các đơn vị cũng đã có những chia sẻ thực tiễn về kinh nghiệm cũng như lộ trình cắt giảm phát thải khí carbon. Từ đó, các doanh nghiệp khác có cái nhìn thực tế hơn về cách thức triển khai và rút ra được những bài học thiết thực cho chính doanh nghiệp của mình.
Là đơn vị tiên phong kiến tạo giải pháp cho chuỗi cung ứng sản xuất của các doanh nghiệp, hướng đến xu hướng phát triển bền vững, Công ty InterLOG luôn sát cánh cùng các hiệp hội ngành nghề tạo ra những kết nối, mang lại giá trị cho các doanh nghiệp sản xuất, bà Phạm Thị Tình - Giám đốc thương mại Chi nhánh Hà Nội InterLOG, kiêm Trưởng Ban giải pháp của Liên minh VISA bày tỏ: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các leadfirm nước ngoài sẽ ưu tiên lựa chọn các nhà cung cấp xanh để thực hiện mục tiêu giảm tác động tiêu cực đến con người, xã hội và môi trường. Là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với vai trò là thành viên tích cực nghiên cứu các giải pháp cho cộng đồng ngành công nghiệp Việt Nam, Công ty InterLOG đã nghiên cứu và đưa ra các giải pháp cho các doanh nghiệp, chú trọng vào việc tối ưu quy trình vận tải bằng các giải pháp ngành logistics. Cụ thể, với hàng nguyên container, InterLOG đưa ra giải pháp kết hợp sà lan trucking với quy mô 500 TEU/năm, giúp cho các doanh nghiệp cắt giảm khoảng 100.000 kg CO2 và tiết kiệm được 200.000.000 đồng chi phí mỗi năm. Bên cạnh đó, đối với hàng lẻ, giải pháp gom hàng ICD Tiên Sơn mà InterLOG mang đến cho khách hàng sẽ giúp cho hàng hóa tại ICD được thông quan nhanh hơn so với ở cảng biển. Hơn thế, với quy mô 250 tấn/năm, doanh nghiệp sẽ cắt giảm được 2.000 kg CO2 và tiết kiệm được 50.000.000 đồng chi phí vận chuyển mỗi năm. Bằng việc tận dụng các giải pháp chuyển đổi xanh sẽ giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay để cùng nhau hướng đến mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường năm 2045, đóng góp vào hồ sơ Xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.”
Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Kiểm kê khí nhà kính – “Nền tảng” cho lộ trình giảm phát thải” là hoạt động tiếp theo trong chuỗi sự kiện "Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp hướng tới net-zero vì mục tiêu phát triển bền vững" được InterLOG phối hợp cùng Liên Minh VISA tổ chức xuyên suốt kể từ tháng 7/2023. Các buổi hội thảo trong chuỗi sự kiện sẽ từng bước giúp các doanh nghiệp trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tiễn để hoàn thiện được lộ trình Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp cho doanh nghiệp mình.