Theo Thông tư 58/2020 của Bộ Công an, doanh nghiệp đã làm thủ tục đổi từ biển màu trắng sang biển màu vàng cho nhiều xe kinh doanh vận tải và được giữ nguyên số, được tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe. Thủ tục đổi biển khá đơn giản, doanh nghiệp không cần mang xe đến cơ quan đăng ký xe. Tuy nhiên, theo Thông tư 79/2024 của Bộ Công an, các xe biển vàng sẽ phải đổi giấy chứng nhận đăng ký xe để phù hợp với biển số nền vàng. Sự thay đổi liên tục các quy định về biển số xe kinh doanh vận tải gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.
Việc đổi giấy đăng ký xe theo quy định mới đang đặt các doanh nghiệp vận tải vào tình thế lao đao. Thủ tục hành chính rườm rà, thời gian chờ đợi kéo dài, chi phí phát sinh tăng cao là những thách thức lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có đủ nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu mới này, dẫn đến tình trạng ùn tắc tại các cơ quan đăng kiểm, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả sản xuất. Hơn nữa, việc thay đổi liên tục các quy định pháp luật về đăng ký xe khiến doanh nghiệp khó thích ứng và gây ra sự bất ổn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Anh Lê lo lắng nếu doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, thế chấp bằng giấy đăng ký xe thì không thể rút ra đem đến cơ quan làm thủ tục đổi giấy chứng nhận. Nếu không đổi giấy đăng ký xe thì các trung tâm đăng kiểm từ chối kiểm định, xe sẽ không thể hoạt động. Thủ tục đổi giấy đăng ký xe đối với phương tiện đang thế chấp tại ngân hàng rất phức tạp. Các hợp đồng thế chấp, chứng nhận bảo hiểm... đều ghi theo biển số cũ. Vì thế thủ tục sửa đổi các giấy tờ này theo giấy phép mới khá phiền hà cho đơn vị.
Theo quy trình, xe được đổi giấy đăng ký phải thay biển số, sau đó doanh nghiệp lại phải làm thủ tục cấp lại phù hiệu xe kinh doanh vận tải tại các Sở Giao thông Vận tải mới được hoạt động. "Tất cả thủ tục này khiến chúng tôi phải dừng hoạt động phương tiện nhiều ngày, làm ảnh hưởng đến kinh doanh và có nguy cơ mất đơn hàng", anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội nói.
Bên cạnh đó, luật Trật tự, An toàn Giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ 01/01/2025 với quy định giới hạn thời gian lái xe tối đa 48h/tuần đang gây ra rất nhiều tranh cãi trong ngành vận tải nói riêng và ngành logistics nói chung. Quy định này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập tài xế mà còn làm giảm năng lực vận tải, đẩy giá cước tăng cao, tăng chi phí logistics và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với lực lượng tài xế lái xe, việc cắt giảm giờ làm xuống còn 48h/tuần khiến họ đối mặt với nguy cơ giảm thu nhập từ 20-30%, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Đối với các doanh nghiệp vận tải, quy định này dẫn đến giảm năng suất vận tải do thời gian vận chuyển và nghỉ ngơi của lái xe cho 1 chuyến hàng tăng lên, chi phí tăng lên, dẫn đến giá cước dự kiến cũng sẽ tăng từ 15-20%.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng đã đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng lái xe khi mà những sai phạm bị xử phạt nặng khiến cho các bác tài sẽ cảm thấy lo lắng và căng thẳng hơn trong công việc hằng ngày của mình. Áp lực từ mức phạt cao có thể khiến nhiều lái xe cảm thấy không còn động lực để tiếp tục công việc.
Không chỉ ảnh hưởng và làm thay đổi cục diện hiện tại, các quy định này còn dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng sau này. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng tăng cao do thiếu năng lực vận tải và thời gian vận chuyển bị kéo dài. Để bù đắp lại những chi phí tăng thêm, các doanh nghiệp vận tải có thể tăng giá cước vận chuyển. Điều này sẽ trực tiếp tác động đến giá thành sản phẩm, dịch vụ, đẩy giá cả hàng hóa lên cao và gây áp lực lên lạm phát. Các doanh nghiệp vận tải phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, làm giảm khả năng cạnh tranh của họ so với các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước khác. Các thủ tục hành chính rườm rà, khó khăn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tạo ra rào cản và tăng rủi ro về đầu tư.
Trong bối cảnh thị trường đầy biến động, Công ty WR1 – công ty thành viên của InterLOG - đã tiên phong trong việc xây dựng các giải pháp toàn diện, giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với mọi rủi ro trong chuỗi cung ứng. Một trong những khuyến nghị đó là cần giảm thiểu tối đa rủi ro giao nhận sát giờ hạn lệnh và cut off tại cảng bằng cách sắp xếp lịch trình giao nhận sớm hơn. Tối ưu hóa kế hoạch giao nhận tại kho để giảm thời gian chờ của lái xe, tiết kiệm được thời gian cho các chuyến hàng khác. Bên cạnh đó, các chủ hàng cần lên kế hoạch dự trù ngân sách phù hợp cho dự báo cước vận chuyển đường bộ sẽ tăng từ 15-20%. Các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt các doanh nghiệp vận tải nói riêng cần phải linh hoạt và có các giải pháp kịp thời nhằm thích ứng với các thay đổi của Chính phủ và Nhà nước để doanh nghiệp ngày càng phát triển và tăng trưởng vượt trội.