Trong bối cảnh các nhà lập pháp của Châu Âu và những nước phát triển đã có những bước đi táo bạo, điển hình là EU CBAM, một cơ chế lần đầu đánh thuế carbon hàng nhập khẩu, đặt áp lực chuyển đổi xanh lên những nhà cung cấp nước ngoài, cân bằng chi phí carbon giữa các nguồn cung và loại bỏ “rò rỉ carbon”. Sự xuất hiện của EU CBAM từ khi còn là hoạch định đến khi được thông qua và triển khai bước đầu, đã mang đến sự quan tâm và những làn sóng dư luận khắp thế giới. Cơ chế đã tạo động lực cho nhiều nước đưa ra những chính sách mạnh tay hơn về môi trường như thuế nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch Nhật Bản và UK CBAM, xây dựng thị trường tín chỉ carbon ETS chuẩn bị đi vào hoạt động như Úc, Áo và Brazil.
Các khu vực đang phát triển ở Đông Nam Á, như Việt Nam, cũng có thể phải chịu những tác động tiêu cực tiềm ẩn từ CBAM. Các ngành như thép, nhôm và xi măng, vốn là những ngành xuất khẩu chính của các nước này, có thể bị ảnh hưởng đáng kể. Ví dụ, xuất khẩu thép của Việt Nam sang EU có thể giảm giá trị 3,7% do chi phí bổ sung do CBAM áp đặt. Việc mở rộng phạm vi CBAM để bao gồm ngành nhựa có thể làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực đối với các nền kinh tế Đông Nam Á.
Theo bà Lưu Thị Mai Hương - Giám đốc Chứng nhận của công ty Bureau Veritas đã chia sẻ với VTV: "Đối với thị trường khó tính đơn cử như Mỹ, họ có những yêu cầu cao về bảo vệ môi trường mà nhà cung cấp của họ phải đáp ứng được. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam cũng chủ động triển khai các tiêu chuẩn bền vững này vì nó là xu thế". Việc tìm hiểu về xu hướng thế giới về trung hòa carbon cùng với lộ trình mà Việt Nam đã và đang xây dựng là cần thiết. Nhằm nâng cao nhận thức và tạo động lực cho sự chuyển đổi, bài viết này sẽ đưa ra những giải pháp tiềm năng và khuyến nghị lộ trình để giảm phát thải, đóng góp vào mục tiêu toàn cầu về trung hòa carbon.
Từ những cam kết tại COP 26, chính phủ Việt Nam đã triển khai các bước thiết thực và đề ra lộ trình net-zero của quốc gia. Việc nắm bắt các thông tư, nghị định của chính phủ là cần thiết cho doanh nghiệp trong quá trình hoạch định kinh doanh cũng như chuyển đổi xanh của bản thân. Những lưu ý sau đây trong các văn bản pháp lý sẽ phần nào giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định và trên hết là đến gần hơn với thiết lập mục tiêu của mình.
Kiểm kê khí nhà kính: Nhà nước đã quy định những cơ sở sử dụng nhiều năng lượng phải kiểm kê phát thải carbon từ năm 2020 và cập nhật, xây dựng thêm danh mục này vào đầu năm 2022. Có khoảng 3000 cơ sở, doanh nghiệp nằm trong danh mục này và sẽ phải kiểm kê 3 năm 1 lần nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu, giúp chính phủ nắm bắt tình hình phát thải từ đó đưa ra các điều chỉnh lộ trình và thông tư phù hợp.
Lộ trình của quốc gia: Dù các mục tiêu và chỉ số còn có sự điều chỉnh trong tương lai, chính phủ đã đưa ra mức trần phát thải và lượng giảm bắt buộc đối với một số ngành và lĩnh vực. Các mục tiêu này giúp doanh nghiệp thấy được sự vào cuộc của bộ máy chính quyền cũng như đồng lòng của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường. Những cơ sở và doanh nghiệp có lượng phát thải lớn có thể dựa vào những thông tin này để lên kế hoạch dài hạn cho bản thân mình.
Hướng dẫn kỹ thuật đo đạc, báo cáo giảm phát thải và kiểm kê: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra thông tư dành cho cơ sở quản lý chất thải. Thông tư này được coi là bản hướng dẫn chính thức đầu tiên từ nhà nước và có thể áp dụng khung về báo cáo và đo đạc cho các ngành và lĩnh vực khác.
Trước khi bắt đầu hành trình chuyển đổi hướng tới trung hòa carbon, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp cần hiểu rõ về phát thải khí nhà kính của mình. Thực hiện kiểm kê phát thải là một bước quan trọng để đánh giá tác động hiện tại của những doanh nghiệp này đối với môi trường. Bằng cách xác định và phân loại các phát thải từ các nguồn khác nhau trong hoạt động sản xuất, doanh nghiệp có thể xác định các lĩnh vực cần cải thiện và đặt ra các mục tiêu giảm phát thải có tính khả thi.
Liên minh châu Âu (EU) luôn tiên phong trong việc triển khai các hệ thống kiểm kê phát thải khí nhà kính. Thông qua khung chương trình Giám sát, Báo cáo và Xác minh (MRV), EU yêu cầu các doanh nghiệp theo dõi và báo cáo phát thải hàng năm. Trong khi đó, Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm kê phát thải khí nhà kính và đã thực hiện các bước để xây dựng hệ thống kiểm kê quốc gia. Quốc gia đã phát triển hướng dẫn và quy định để tiêu chuẩn hóa quá trình báo cáo cho các doanh nghiệp (thông tư 17/2022/TT-BTNM). Điều này giúp chính phủ hiểu rõ hơn về tình hình phát thải của đất nước và phát triển chính sách hiệu quả để giải quyết biến đổi khí hậu.
Để theo dõi dữ liệu phát thải một cách hiệu quả, điều cần thiết là phải hiểu khái niệm phân chia phạm vi. Khung phát thải khí nhà kính (GHG) phân loại các phát thải thành ba phạm vi:
Phạm vi 1: Phát thải trực tiếp từ các nguồn thuộc sở hữu hoặc do công ty kiểm soát, chẳng hạn như đốt nhiên liệu trong quá trình sản xuất hoặc phương tiện thuộc sở hữu của công ty. (Theo quy định hiện hành của VN – tất cả tài sản thuộc sở hữu của công ty thuộc vào phạm vi 1).
Phạm vi 2: Phát thải gián tiếp từ điện, nhiệt hoặc hơi nước được mua bởi công ty.
Phạm vi 3: Phát thải gián tiếp xảy ra trong chuỗi giá trị của công ty, bao gồm các hoạt động như mua sắm, vận tải và quản lý chất thải.
Giao tiếp hiệu quả đảm bảo rằng dữ liệu chính xác được chuyển giữa các bộ phận, cho phép có cái nhìn tổng thể về lượng phát thải của công ty. Quá trình này bao gồm việc thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm hồ sơ tiêu thụ năng lượng, nhật ký vận tải và báo cáo quản lý chất thải. Sự hợp tác này là cần thiết để xác định các điểm nóng phát thải và thực hiện các chiến lược giảm thiểu có mục tiêu.
Quy trình chuẩn hóa cho việc kiểm kê khí nhà kính cho phép doanh nghiệp nhận diện các nguồn phát thải chính. Hầu hết các phát thải khí nhà kính từ ngành công nghiệp đều là phát thải carbon dioxide (CO2), với bốn mặt hàng công nghiệp chính – nhựa, xi măng, hóa chất và thép - đóng góp lớn. Việc giảm phát thải CO2 từ những ngành này đặt ra một số thách thức kỹ thuật.
Trước hết, khoảng 45% phát thải CO2 trong các ngành này xuất phát từ nguyên liệu đầu vào, không thể giảm bớt bằng cách thay đổi nhiên liệu mà cần sửa đổi quy trình. Thứ hai, khoảng 35% phát thải đến từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch để tạo nhiệt độ cao, tạo ra khó khăn trong việc chuyển sang nhiên liệu thay thế. Tính tích hợp cao của quy trình công nghiệp (thách thức thứ ba) đòi hỏi các thay đổi trong nhiều thành phần, làm cho việc giảm phát thải trở nên phức tạp hơn. Cuối cùng, các cơ sở sản xuất hiện tại có tuổi thọ lâu dài và yêu cầu chi phí sửa chữa hoặc nâng cấp đắt đỏ để thực hiện các quy trình giảm phát thải.
Các bước trong lộ trình từ kiểm kê đến thực hiện giảm phát thải mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Dữ liệu thu thập được có thể sử dụng để cân nhắc mua bán tín chỉ carbon nhằm bù đắp carbon phát thải ra môi trường. Thông thường mỗi tín chỉ tương đương với 1 tấn carbon (CO2e) phát thải. Mức giá của mỗi tín chỉ phụ thuộc vào chất lượng dự án, các dự án trồng cây gây rừng thường có giá trị cao nhất sau đó là đến năng lượng tái tạo và thu giữ carbon (CCS). Việc sử dụng tín chỉ có thể là phương án tối ưu chi phí trong một số loại hình sản xuất khó thay đổi quy trình.