Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag en
flag vi
interlogistics logo

Biến động giá cước vận tải biển quý III/2025: Tác động từ đàm phán Việt – Mỹ và căng thẳng Trung Đông

Giá cước vận tải biển quý III/2025 biến động do đàm phán Việt - Mỹ và căng thẳng Trung Đông. Doanh nghiệp cần linh hoạt ứng phó, đa dạng thị trường để tối ưu chi phí logistics.

Kể từ đầu năm 2025, thị trường vận tải biển toàn cầu đã chứng kiến nhiều biến động bất ngờ. Từ căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đến nguy cơ áp thuế cao từ Mỹ với hàng hóa Việt Nam, các yếu tố này đang tạo ra áp lực lớn đối với chuỗi cung ứng và chi phí logistics trong quý III/2025.

Báo cáo mới nhất của phòng Procurement (tháng 6/2025) cho thấy giá cước vận tải biển sẽ có sự phân hóa theo từng tuyến, chịu ảnh hưởng lớn từ kết quả đàm phán thương mại Việt – Mỹ, cũng như diễn biến căng thẳng khu vực Trung Đông. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt, tối ưu hoá chi phí và đảm bảo chuỗi cung ứng không gián đoạn.

Áp lực từ đàm phán thương mại Việt – Mỹ: Giai đoạn quyết định

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đầu tiên bước vào đàm phán thuế đối ứng với Mỹ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp mức thuế lên đến 46% với một loạt mặt hàng trọng điểm (đồ gỗ, xe đạp điện, thiết bị điện tử, pin mặt trời…). Kể từ tháng 4, hai bên đã trải qua ba vòng đàm phán các cấp. Tuy nhiên, tiến độ vẫn chậm hơn kỳ vọng và chưa có thỏa thuận chính thức nào được ký kết.

Mỹ đưa ra các yêu cầu cụ thể như: giảm phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc, tăng nhập khẩu hàng Mỹ, minh bạch chuỗi cung ứng và kiểm soát gian lận thương mại. Phía Việt Nam thể hiện thiện chí và chủ động, song vẫn chưa thể đáp ứng trọn vẹn các điều kiện then chốt trong thời gian ngắn.

Ngày 9/7/2025 được xem là “deadline” quan trọng. Kết quả đàm phán sẽ quyết định hướng đi của thương mại song phương và “cơn bão thuế” sẽ tác động trực tiếp đến ngành logistics, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Việt Nam bước vào đàm phán thuế đối ứng với Mỹ 

Nút thắt Trung Đông và cơn “sốt” phụ phí

Sau khi Mỹ tiến hành không kích các cơ sở hạt nhân của Iran, nguy cơ đóng cửa eo biển Hormuz – tuyến đường huyết mạch vận chuyển dầu mỏ toàn cầu – đã khiến các hãng tàu đồng loạt tăng phụ phí mùa cao điểm (PSS). Tính đến giữa tháng 6, Maersk và CMA CGM đã áp mức phụ phí lên đến 4.000–4.100 USD/container cho các tuyến từ châu Á đến Bắc Mỹ và châu Âu.

Dù một lệnh ngừng bắn tạm thời đã được công bố, tình hình vẫn tiềm ẩn rủi ro cao. Nếu eo biển Hormuz hoặc Biển Đỏ tiếp tục bị gián đoạn, chi phí nhiên liệu và bảo hiểm sẽ đội lên, có thể đẩy giá cước vận tải tăng thêm 30–50% trong ngắn hạn. Các cảng thay thế như Jebel Ali (UAE) đang có nguy cơ tắc nghẽn cục bộ do chuyển hướng lưu lượng hàng hóa.

Các yếu tố chi phối giá cước quý III/2025

Bên cạnh chính sách thương mại và địa chính trị, giá cước vận tải trong quý III còn chịu ảnh hưởng từ hai yếu tố nội tại:

  • Mùa cao điểm xuất khẩu (tháng 8–9): Đơn hàng chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ cuối năm tại Mỹ và EU sẽ khiến nhu cầu tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong tháng 7.
  • Gia tăng công suất đội tàu: Từ giữa năm 2024, các hãng lớn đã đưa vào khai thác nhiều tàu mới, đặc biệt trên tuyến xuyên Thái Bình Dương. Dư cung cục bộ đang gây áp lực giảm giá cước, nhất là tuyến Việt Nam – Mỹ.
3 yếu tố tác động trực tiếp tới giá cước

Ba kịch bản định hình thị trường quý III/2025

Dựa trên phân tích dữ liệu và đánh giá từ chuyên gia, báo cáo đưa ra ba kịch bản giá cước vận tải biển trong quý III, tùy thuộc vào kết quả đàm phán thương mại Việt – Mỹ và tình hình khu vực:

Kịch bản 1 – Tránh được áp thuế (khả năng 20–30%)

Nếu hai bên đạt được thỏa thuận khung hoặc gia hạn tạm hoãn thuế, giá cước sẽ ổn định và có thể tăng nhẹ vào tháng 9 do đơn hàng mùa lễ hội. Tuyến Việt Nam – Mỹ sẽ phục hồi sau khi “hạ nhiệt” vào tháng 7. Các tuyến châu Âu và nội Á cũng ghi nhận xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu phục hồi.

Tác động: Đây là kịch bản tích cực nhất. FDI duy trì ổn định, các doanh nghiệp logistics và xuất khẩu tiếp tục phát triển không bị gián đoạn. Áp lực chi phí ở mức thấp, giúp doanh nghiệp chủ động kế hoạch dài hạn. Chi phí ổn định dù cước biển có xu hướng tăng nhẹ toàn tuyến.

Kịch bản 2 – Mỹ áp thuế thỏa hiệp 20–25% (khả năng 50–60%)

Đây là kịch bản trung tính. Dù chưa đạt được thỏa thuận toàn diện, Mỹ có thể giảm mức thuế dự kiến xuống còn 20–25%, đổi lại là các cam kết rõ ràng hơn từ phía Việt Nam.

Trong trường hợp này, giá cước tuyến Việt Nam – Mỹ sẽ giảm mạnh 20–30% trong hai tháng đầu quý do nhu cầu sụt giảm. Tuy nhiên, các tuyến đi EU, Trung Đông, Ấn Độ và nội Á sẽ tăng nhẹ (10-15%) do doanh nghiệp chuyển hướng thị trường và xuất khẩu trung chuyển.

Tác động: Doanh nghiệp phải tái cơ cấu đơn hàng và kênh phân phối. Logistics nội địa chịu áp lực điều chỉnh. Một số FDI có thể cân nhắc lại chiến lược đầu tư, nhưng chưa có làn sóng rút vốn rõ rệt.

Kịch bản 3 – Mỹ áp thuế toàn diện 46% (khả năng 10–20%)

Đây là kịch bản tiêu cực nhất. Nếu đàm phán thất bại hoàn toàn, Mỹ sẽ áp thuế cao với gần như toàn bộ mặt hàng xuất khẩu trọng điểm từ Việt Nam.

Giá cước tuyến Việt Nam – Mỹ sẽ giảm sâu 40–50% trong suốt quý III do lượng hàng sụt giảm nghiêm trọng. Ngược lại, giá cước tuyến EU, nội Á và Trung Đông sẽ tăng mạnh (25-30%) vì doanh nghiệp gấp rút chuyển đơn hàng sang các thị trường thay thế.

Tác động: Nguy cơ FDI rút khỏi Việt Nam để chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan hoặc Mexico. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải tìm đường sang châu Âu, Nhật Bản hoặc Trung Đông. Chi phí logistics tăng cao và khả năng bị gián đoạn chuỗi cung ứng toàn diện.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị sớm và linh hoạt

Trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn, điều doanh nghiệp Việt cần nhất hiện nay là kịch bản hóa rủi rođa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ không còn là lựa chọn bền vững. Song song đó, cần theo sát tình hình địa chính trị, chủ động phối hợp với đối tác logistics để điều chỉnh kế hoạch vận tải phù hợp.

Cước vận tải biển không chỉ là vấn đề chi phí, mà còn là chỉ báo quan trọng cho toàn bộ sức khỏe chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp nắm bắt tốt biến động sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong nửa cuối năm 2025.

 

Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi
Tin tức liên quan