Chỉ trong nửa đầu tháng 2, Việt Nam đã xuất khẩu gần 57.000 tấn cà phê, với kim ngạch đạt 184,4 triệu USD. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt 1,38 tỷ USD, tăng tới 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cà phê vượt qua thủy sản để đứng top 2 về kim ngạch xuất khẩu (chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ) trong ngành Nông nghiệp.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính từ đầu năm đến hết tháng 2/2024, các nhóm hàng xuất khẩu của ngành Nông nghiệp nước ta đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và hạt cà phê nói riêng. Các chuyên gia dự báo trong năm 2024, xuất khẩu cà phê sẽ đạt được khoảng 4,5 – 5 tỷ USD, và đây sẽ là kỉ lục mới trong lịch sử về kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), thế giới sẽ không thiếu nguồn cung cà phê Arabica, nhưng sẽ gặp khó khăn với Robusta. Đây là một lợi thế rất lớn cho Việt Nam vì hiện nay, nước ta đang là quốc gia sản xuất và cung cấp cà phê Robusta số 1 thế giới trong nhiều năm nay.
Trên thực tế, nguồn cung cà phê Robusta trên toàn cầu vẫn còn bị ách tắc và vẫn còn tình trạng kháng giá ở thị trường nội địa của nhiều quốc gia sản xuất chính. Ngoài ra, EU quy định cà phê là mặt hàng phải đáp ứng về Quy định chống phá rừng (EUDR) nên cũng ảnh hưởng tới giá vì nhiều quốc gia vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đáp ứng yêu cầu này. Chính vì vậy, cà phê của Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng lợi về giá. Ngoài lợi thế về giá, khả năng cao Việt Nam sẽ làm chủ thị trường xuất khẩu cà phê, đặc biệt là Robusta, trong những tháng đầu của năm 2024, sẽ mang lại ưu thế kép trong quá trình gia tăng giá trị xuất khẩu.