ETS hay EU ETS (European Union Emissions Trading Scheme) là Hệ thống Thương mại Khí thải Liên minh Châu Âu. Đây là chương trình quốc tế đầu tiên và lớn nhất được thiết kế để cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra trong tất cả ngành công nghiệp. Chương trình này là một sân chơi cho phép các nước thành viên EU mua bán và trao đổi, giao dịch lượng khí thải thương mại trong phạm vi cho phép nhằm chống lại biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu. Nếu lượng khí thải vượt quá lượng cho phép của một nhà máy, người vận hành phải mua thêm chứng chỉ để tiếp tục kinh doanh. Sự phát triển về giá cả của chứng chỉ ETS tại thị trường Châu Âu trên mỗi tấn CO2 thải ra ngày càng tăng, cho thấy rằng EU dần kiểm soát chặt chẽ hơn lượng khí thải bị thải ra môi trường.
ETS được xây dựng theo 4 giai đoạn liên tiếp: giai đoạn I (2005- 2007, thường được gọi là "giai đoạn thí điểm"); giai đoạn II (2008-2012); giai đoạn III (2013-2020); giai đoạn IV bắt đầu từ năm 2021. Hoạt động dựa trên nguyên tắc “cap-and-trade” (mức trần và giao dịch phát thải), ETS giới hạn lượng khí thải được phép phát thải và cho phép các bên phát thải được mua hoặc bán khối lượng phát thải nhất định. Mức trần sẽ quyết định số tín chỉ carbon có hiệu lực trên toàn hệ thống EU ETS và được thiết kế để giảm dần theo từng năm, do đó tổng lượng phát thải cũng sẽ giảm.
Hằng năm, hạn ngạch carbon nhất định sẽ được phân bổ miễn phí cho doanh nghiệp, phần còn lại sẽ trở thành các tín chỉ được đưa vào giao dịch trên thị trường. Tại đó, các doanh nghiệp tiến hành mua bán tín chỉ carbon, được gọi là sàn giao dịch tín chỉ carbon. Dự kiến đến năm 2034, EU sẽ loại bỏ hạn ngạch phát thải miễn phí và vận hành toàn bộ cơ chế CBAM.
Để thúc đẩy quá trình tiến đến Net Zero càng sớm càng tốt, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 14/07/2021 đã công bố chương trình hành động đầy tham vọng "Fit for 55", nâng mục tiêu đề ra từ mức giảm 40% lượng khí thải lên 55% vào năm 2030, so với mức của năm 1990 và trung hòa khí thải năm 2050. Nội dung “Fit for 55” bao gồm những ý chính:
Các hãng vận tải lớn như Maersk, Hapag – Lloyd, Yang Ming đã đưa ra thông báo trước cho các chủ hàng về phụ phí ETS sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2024. Cụ thể, khi các hãng tàu phải tuân thủ hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh Châu Âu, Maersk cho rằng chi phí tuân thủ dự kiến sẽ rất lớn và sẽ tiếp tục tăng khi triển khai theo từng giai đoạn, và sẽ được áp dụng cho tất cả các chuyến tàu trong phạm vi áp dụng EU-ETS. Bắt đầu từ ngày 01/01/2024, các nhà khai thác tàu sẽ phải giám sát và báo cáo lượng phát thải cũng như nộp phu phí cho mỗi tấn CO2 mà họ thải ra trong Khu vực Kinh tế Châu Âu và 50% các chuyến đi kết thúc hoặc bắt đầu tại các cảng Châu Âu.
Để bù đắp những tổn thương sẽ gây ra cho môi trường, đối với tuyến đường Châu Á – Bắc Âu, Maersk sẽ thu từ các chủ hàng mức phí €70/FEU, trong khi Hapad – Lloyd ước tính mức phí là €12/TEU, còn Yang Ming sẽ thu mức phí là €24/TEU (đối với container khô). Đối với tuyến đường từ Bắc Âu đến Hoa Kỳ, Maersk sẽ thu mức phí dự kiến là €81/FEU, trong khi Hapag – Lloyd dự báo mức phí là €9/TEU cho tuyến đường từ Bắc Âu đến Bờ Đông Hoa Kỳ, và Yang Ming thông báo sẽ thu mức là €27/TEU (đối với container khô) cho tuyến Châu Âu – Bắc Mỹ.
Khoản phụ phí này sẽ được tính theo quý cho các chủ hàng được áp dụng từ quý 1 năm 2024. Với việc vận chuyển bắt buộc phải thanh toán các khoản phụ phí bao gồm 40% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2024, tăng lên 70% vào năm 2025 và thu 100% vào năm 2026.
Bắt đầu từ năm 2024, các công ty vận tải phải mua một tín chỉ phát thải Châu Âu (EUA) cho mỗi tấn CO2 được báo cáo thải ra và nộp cho Liên minh Châu Âu vào mỗi năm. EUA có thể được mua thông qua các sàn giao dịch như Sàn giao dịch liên lục địa, Sàn giao dịch năng lượng châu Âu, sàn Nasdaq và các thị trường giao dịch tự do giữa các nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng.
Theo tính toán của Hecla Emissions Management – nhà cung cấp giải pháp về ETS trong lĩnh vực hàng hải cho biết chi phí tuân thủ ETS của ngành hàng hải sẽ thu về hơn 3.2 tỷ USD trong năm 2024, và có thể tăng lên 9.1 tỷ USD vào năm 2026.
Mức phụ phí phát thải sẽ được cập nhật hàng quý để phù hợp với những thay đổi về giá EUA, đồng thời giá trị ETS được áp dụng sẽ phụ thuộc phần lớn vào các tổ hợp cảng cụ thể. Đối với hãng Maersk, Hapag – Lloyd, Yang Ming, phụ phí ETS được xác định rõ ràng và tách biệt khỏi cước vận chuyển, mức phí được tính dựa trên công thức kết hợp giữa lượng khí thải CO2 liên quan đến ETS và giá thị trường cho EUA.
Trước đây, phụ phí ETS đã được một số hãng tàu thu từ các chủ hàng dưới 3 hình thức phổ biến: Tách biệt, Gộp chung, Tự nguyện.
Phương thức vận tải bằng đường biển chiếm chiếm 13% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong hoạt động vận tải của Châu Âu. Do đó, doanh thu từ nguồn thu ETS sẽ được chuyển vào lĩnh vực hàng hải để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế.
Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, việc tăng các khoản phụ phí cho các chủ hàng, cùng với đó là cuộc xung đột Israel-Hamas đang gây ra làn sóng chấn động đối với ngành logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất cả những cơn biến động này đã, đang và sẽ gây ra bất lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam, do đó cần phải đánh giá lại các kế hoạch và đề ra các chiến lược mới để giảm thiểu rủi ro.