Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Công nghiệp bán dẫn Việt Nam hưởng lợi từ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là cường quốc đứng đầu về các thiết bị công nghệ trên thế giới. Mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo nên cơn địa chấn trong ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Trước đó, khi mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên căng thẳng và có dấu hiệu rạn nứt, Mỹ đã lên kế hoạch chuyển dịch chuỗi cung ứng sang các thị trường mới nổi để có thể đa dạng hóa nhà cung cấp. Vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ, Mỹ càng chắc chắn hơn với quyết định của mình, áp dụng chiến lược “Trung Quốc + 1”, nghĩa là mở rộng các nhà máy ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào một cơ sở sản xuất. Và Việt Nam là một ứng cử viên sáng giá đầy tiềm năng cho kế hoạch chuyển dịch của Mỹ.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden trong tháng 7 vừa qua đã củng cố thêm vị trí của Việt Nam trong lòng các ông lớn, mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho các đế chế công nghệ khổng lồ của Mỹ vào Việt Nam. Mỹ đã nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện vừa đáp ứng nhu cầu thị trường Mỹ, vừa củng cố mạng lưới công nghiệp tại Việt Nam. Các nhà lãnh đạo đứng đầu các tập đoàn lớn đã công bố các dự án đầu tư đầy triển vọng vào Việt Nam như Dự án Trí tuệ nhân tạo (AI) của các công ty Nvidia và Microsoft; Dự án xây dựng các trung tâm thiết kế bán dẫn mới tại Thành phố Hồ Chí Minh của Synopsys và Marvell, kế hoạch khai trương cơ sở đóng gói chip của công ty Amkor trị giá 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh vào tháng 10/2023…

Các công ty Mỹ đều có các chiến lược dài hạn toàn cầu khi rót vốn đầu tư vào một quốc gia nào đó. Nhận thấy Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế, kết hợp với vị trí địa lý thuận lợi và chính trị ổn định, vào tháng 3/2023, đại diện của 50 tập đoàn lớn của Mỹ đã ghé thăm Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong đó có các “gương mặt vàng” trong làng công nghệ như Apple, Google, Meta, Microsoft,… Nếu có sự giúp sức của các ông lớn trong ngành, hứa hẹn Việt Nam sẽ thay đổi cục diện và trở thành một quốc gia đầy tiềm năng phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Các tập đoàn lớn đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam

Việt Nam nhận được rất nhiều sự quan tâm và kỳ vọng từ các tập đoàn Mỹ, là vùng đất đáng tin cậy để họ đa dạng chuỗi cung ứng sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn,… Các tập đoàn quốc tế lớn như LG, Samsung, Foxconn – là những nhà cung cấp linh kiện cho “ông hoàng công nghệ” Apple, đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel - nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu của Mỹ tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Tập đoàn này đã tăng vốn đầu tư dự án này lên 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch đầu tư thêm nữa để mở rộng nhà máy tại Việt Nam. Trong tương lai, doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành nhà cung cấp linh kiện bán dẫn cho các “kình ngư” lớn như Foxconn, Luxshare, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài cho biết: “Điều quan trọng nhất khi các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam lúc này là làm sao để doanh nghiệp Việt Nam hiện diện nhiều hơn trong chuỗi cung ứng sản xuất của họ. Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam trở thành những đối tác quan trọng của tập đoàn Mỹ, có thể tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị của họ mà đặc biệt trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế thế giới như công nghệ cao, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo.”

Bên cạnh chuyến thăm của ông Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ghé thăm đất nước cờ hoa, tỏ lòng mong muốn hợp tác lâu dài và đôi bên cùng có lợi với Mỹ. Trong chuyến công tác này, Thủ tướng đã gặp gỡ và làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ nổi tiếng trên thế giới như Synopsys, Meta, Nvidia,… Mỹ rất ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ nước ta phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được các yêu cầu cao.

Cũng trong chuyến đi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghé thăm thung lũng Silicon và chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa Bộ Thông Tin và Truyền Thông và công ty Synopsys để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, lập Viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam. Sự hợp tác này với mục đích xây dựng dự thảo chiến lược nhằm thành lập Trung tâm chế tạo và mô phỏng R&D cao cấp, nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp về thiết kế vi mạch tiên tiến, hỗ trợ năng lực sản xuất chế tạo R&D cho Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ, nguồn: Sưu tầm

Thu hút được nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ Mỹ mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam, nhưng cũng là thử thách đầy cam go đối với các doanh nghiệp Việt. Công nghệ là lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt là các kĩ sư tài năng về vi mạch, hạ tầng sản xuất phải có những máy móc thiết bị hiện đại, nguồn điện ổn định, sử dụng năng lượng xanh thân thiện với môi trường. Nhưng trong nguy luôn có cơ, áp lực sẽ tạo nên kim cương. Ngành công nghiệp bán dẫn tuy còn mới với Việt Nam nhưng nếu được đầu tư đúng cách hứa hẹn sẽ là ngành công nghiệp chủ chốt của Việt Nam, đóng góp rất lớn vào GDP cả nước. Ngoài ra, khi Mỹ đổ vốn vào nước ta cũng tạo niềm tin tưởng cao với các nhà đầu tư khác ở các quốc gia đang có ý định đầu tư vào thị trường Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam có một chỗ đứng nhất định trên thị trường quốc tế, nâng cao sự cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thế giới.

Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi