Đó là nội dung được đề cập trong chương trình Tạp chí “Phát triển sản phẩm chủ lực” số phát sóng trong tháng 07/2022, theo đó GDP 6 tháng đầu năm 2022 cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.
Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Mức tăng này có sự đóng góp lớn của các ngành chế biến, chế tạo, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, kho bãi, bán buôn - bán lẻ. Tuy nhiên xung đột Chính trị - Kinh tế thế giới phức tạp kéo theo giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu toàn cầu tăng mạnh, làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Đặc biệt là giá xăng dầu tăng đột biến tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Do đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra cho năm 2022 là một thách thức lớn khi kinh tế trong nước đang phục hồi tích cực nhưng chưa như kì vọng.
Theo Tổng cục Thống kê, Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đều có tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Trong đó, một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7%; Số doanh nghiệp thành lập mới là 76.233 doanh nghiệp; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7%; Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 9,6%; Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3%; Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 15,5%; Xuất siêu là 710 triệu USD; Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 582,2%; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,44%; Lạm phát cơ bản tăng 1,25%.