Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Kế hoạch năng lượng 'như đi trên dây' của châu Âu

Blog/Thị trường/Kinh doanh/Quốc tế/Phân tích

Ngoài rủi ro bị Nga cắt khí đốt, một mùa đông lạnh hơn ở châu Âu hay châu Á cũng đủ khiến EU chật vật hơn.

Khi Nga thắt chặt nguồn cung cấp khí đốt, châu Âu phải tìm kiếm năng lượng ở khắp nơi để duy trì hoạt động của nền kinh tế. Lượng khí đốt từ Nga, từng là nguồn cung cấp nhiên liệu lớn nhất của châu Âu, đã giảm một phần ba so với một năm trước.

Các nhà máy nhiệt điện than đang được hồi sinh. Hàng tỷ USD được chi cho các thiết bị đầu cuối để tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Các quan chức và nguyên thủ quốc gia bay tới Qatar, Azerbaijan, Na Uy và Algeria để chốt các thỏa thuận năng lượng.

Theo New York Times, cuộc săn lùng nhiên liệu của châu Âu đến nay đã đạt được thành công đáng kể. Nhưng khi giá khí đốt tiếp tục tăng cao và mối đe dọa từ Nga không có dấu hiệu giảm bớt khiến ranh giới giữa an toàn và khủng hoảng vẫn mong manh.

Nỗ lực đa dạng nhằm tìm ra các giải pháp thay thế cho khí đốt Nga đã bù đắp phần lớn cho sự thiếu hụt. Theo Jack Sharples, thành viên tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, mặc dù bị Gazprom cắt giảm, tổng nguồn cung khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong nửa đầu năm 2022 gần bằng với cùng kỳ năm ngoái.

Góp phần nổi bật vào việc bù đắp thiếu hụt khí đốt từ Nga nửa đầu năm là LNG vận chuyển bằng đường tàu. Khoảng một nửa nguồn cung đến từ Mỹ, quốc gia năm nay đã trở thành nước xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất thế giới. Nhìn về cuối năm nay, châu Âu đang thúc đẩy các công ty năng lượng lấp đầy cơ sở lưu trữ bằng khí đốt để cung cấp mức độ an toàn trong trường hợp Nga khóa hoàn toàn van khí đốt. Kho khí đốt của châu Âu hiện đã đầy khoảng 67% tổng công suất, cao hơn 10 điểm phần trăm so với một năm trước. Mức này tạo ra sự an tâm rằng các quốc gia châu Âu có thể đạt mục tiêu dự trữ là 80% trước mùa đông.


Một cơ sở xử lý LNG ở Italy. Ảnh: NYT

Nhưng những lo ngại vẫn còn gia tăng, và có nhiều lý do khiến nỗ lực của châu Âu có thể bất thành khi mùa đông đến gần. Các nhà phân tích nói rằng Nga nhận thức rõ về chiến dịch tích trữ đủ khí đốt của châu Âu nên họ có thể làm khó bằng cách tiếp tục thu hẹp nguồn cung.

Thời tiết cũng là rủi ro khó lường khác. Một mùa đông đặc biệt lạnh giá, một cơn bão ở Biển Bắc đánh tan sản lượng khí đốt của Na Uy hoặc một mùa bão Đại Tây Dương khi các tàu chở LNG chậm trễ, đều có thể khiến châu Âu rơi vào tình trạng thiếu năng lượng.

"Chúng ta đang tiến gần đến vùng nguy hiểm", Massimo Di Odoardo, Phó chủ tịch phụ trách khí đốt của tổ chức nghiên cứu Wood Mackenzie, nhận định. Những lo lắng này đang được phản ánh lên giá khí đốt giao sau ở châu Âu. Nó đã tăng gấp đôi trong hai tháng qua, lên khoảng 200 euro một MWh trên sàn giao dịch TTF của Hà Lan, gấp khoảng 10 lần so với một năm trước.

Chi phí năng lượng cao ngất ngưởng ở châu Âu đang đặt nhiều ngành công nghiệp vào thế phòng thủ, buộc phải thay đổi để đạt mục tiêu tiết kiệm khí đốt 15% của Liên minh châu Âu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế gần đây dự báo rằng nhu cầu khí đốt trong khu vực sẽ giảm 9% trong năm nay.

Ví dụ, một nhà máy thép thuộc sở hữu của ArcelorMittal tại Hamburg (Đức) trong nhiều năm đã sử dụng khí đốt để chiết xuất sắt sau đó đưa vào lò điện. Nhưng gần đây, họ chuyển sang mua kim loại đầu vào từ một nhà máy ở Canada để tiếp cận với chi phí năng lượng rẻ hơn.

Giá khí đốt tự nhiên ở Bắc Mỹ chỉ bằng khoảng một phần bảy so với giá ở châu Âu. "Khí đốt tốn kém đến mức chúng tôi không đủ khả năng chi trả", Uwe Braun, Giám đốc điều hành ArcelorMittal Hamburg, cho biết.

Rất ít nhà phân tích hoặc lãnh đạo doanh nghiệp dự báo tình hình cải thiện trong những tháng tới. Thay vào đó, mùa đông có thể sẽ tạo thêm nhiều khó khăn với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như luyện kim, nhà sản xuất phân bón và thủy tinh.

Tin tức về đóng cửa nhà máy hoặc cắt giảm sản xuất đang lan tràn. Tại Romania, Tập đoàn ALRO gần đây cho biết đã đóng cửa sản xuất tại một nhà máy nhôm lớn và sa thải 500 lao động do chi phí năng lượng cao khiến công ty không thể cạnh tranh.

Ở một số quốc gia, bao gồm cả Anh và Đức, các công ty năng lượng vẫn chưa chuyển đầy đủ các chi phí đầu vào gia tăng lên khách hàng. Điều đó có nghĩa, khó khăn cho người dùng cuối vẫn ở phía trước.

"Rủi ro lớn nhất hiện là sự bùng nổ giá năng lượng gia đình và công nghiệp vào mùa đông năm nay, điều mà công chúng và ngành công nghiệp khó có thể đối phó được", Henning Gloystein, Giám đốc của Eurasia Group, cảnh báo.

Khí tự nhiên hóa lỏng, giải pháp thay thế chính cho khí đốt từ Nga cho phần lớn lục địa, vẫn là một giải pháp thay thế tốn kém. Và nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu với LNG có thể làm tổn thương các khu vực khác trên thế giới.

Về cơ bản, châu Âu đang đấu thầu mua LNG từ các thị trường khác, chủ yếu ở châu Á, nơi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những khách hàng lớn. Châu Âu đang "lấy LNG từ tay các thị trường tiêu thụ không có sự chuẩn bị để trả mức giá mà châu Âu sẵn sàng trả", theo Ben van Beurden, Giám đốc điều hành Shell. Theo ông, đó là điều rất khó chịu.

Thời tiết ở nơi khác cũng quan trọng chứ không chỉ tại châu Âu. Một mùa đông lạnh giá ở châu Á - thị trường chính tiêu thụ LNG - sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh với châu Âu trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu có giới hạn.

Những quốc gia như Đức và Romania cũng đang thực hiện các bước khác, bao gồm việc đưa các nhà máy điện than hoạt động lại hoặc trì hoãn giải thể chúng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu than toàn cầu trong năm nay sẽ đạt gần 9 tỷ tấn, tương đương với mức đỉnh của năm 2013.

Và có nhiều biến số khác có thể gây bất ổn cho kế hoạch năng lượng mùa đông của châu Âu. Họ có khoảng 20 nhà ga tiếp nhận LNG nhưng lại không có nhà ga nào ở Đức.

Berlin đang chạy đua để xây dựng bốn cơ sở và đã dành 2,5 tỷ euro (2,55 tỷ USD) để thuê các trạm nhập khẩu LNG nổi ở ngoài khơi. Dù vậy, không rõ khi nào chúng mới chính thức hoạt động và có kịp cho mùa đông này hay không.

Cuối cùng, rất khó để biết được một lượng lớn khí đốt sẽ được bổ sung từ đâu trong trường hợp vắng Nga. "Nếu chúng ta mất hoàn toàn nguồn cung từ Nga, sẽ không còn nhiều dư địa để tăng nguồn cung từ nơi khác", Jack Sharples nói.

Trước cuộc khủng hoảng khí đốt, chính phủ Hà Lan đã đặt ra kế hoạch đóng cửa mỏ Groningen khổng lồ ở phía bắc đất nước. Đây là một trong số ít nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên lớn tại chỗ ở châu Âu. Nguyên nhân là người dân địa phương bất an về các trận động đất do khai thác khí đốt tại đây.

Một số nhà quan sát đặt câu hỏi về sự miễn cưỡng của chính phủ Hà Lan trong việc đánh thức "gã khổng lồ đang ngủ yên" vốn có thể cung cấp tương đương 40% lượng điện tiêu thụ hàng năm của Đức. Họ đã quyết định đình chỉ việc đóng cửa vĩnh viễn các giếng khai thác ở Groningen vì tình hình bất ổn địa chính trị.

Tuy nhiên, Hà Lan đồng thời khẳng định chỉ xem xét dùng đến mỏ này "trong trường hợp xấu nhất". Nhiều khả năng lập trường này có thể sẽ được kiểm chứng trong những tháng tới.

Nguồn: VnEpress (Theo NYT)

Tác giả:
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi