Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Rác thải nhựa đang dần xâm chiếm Trái Đất

Con người đang tự tạo ra thảm họa cho bản thân và cho những người xung quanh bằng các thói quen tưởng chừng như vô hại nhưng lại rất nguy hiểm. Một trong những kẻ thù đáng sợ nhất đối với môi trường nhưng chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày chính là nhựa.

1. Thực trạng rác thải nhựa tại Việt Nam

Việt Nam là một đất nước nhỏ bé chỉ với hơn 90 triệu dân nhưng lượng tiêu thụ các sản phẩm bằng nhựa rất đáng quan ngại, đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu về lượng rác thải nhựa. Hiện nay, mỗi năm nước ta thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có hơn 30 tỷ túi nilon, đáng buồn rằng hơn 80% số túi nilon đó đều bị bỏ đi sau khi dùng một lần. Đáng chú ý hơn, có đến 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn rác nhựa được thải ra biển, tương đương với 6% tổng lượng rác thải nhựa thải ra biển của thế giới.

Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề môi trường toàn cầu mà Việt Nam đang phải đối mặt. Tuy nhiên, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa vẫn còn rất hạn chế. Có đến 90% rác thải bằng nhựa được xử lý bằng cách chôn lấp, đốt, duy chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Theo thống kê, trung bình một tháng mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon, riêng đối với 2 thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì lượng rác thải nhựa xả ra môi trường khá lớn, trung bình 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon một ngày. Trong tất cả các loại chất thải rắn sinh hoạt, lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm 8% - 12%, nhưng chỉ có khoảng 11% - 12% số lượng chất thải nhựa và túi nilon đó được xử lý và tái chế.

Rác thải nhựa luôn hiện hữu xung quanh chúng ta, nguồn: Sưu tầm

Đối với rác thải y tế, có khoảng 5% là rác thải nhựa. Mỗi ngày có khoảng 22 tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế khám chữa bệnh, trong đó có lẫn với các rác thải nguy hại như thuốc, hóa chất,… Những vật dụng này rất khó tái chế, để có thể thu gom và xử lý cần rất nhiều công đoạn và áp dụng công nghệ tiên tiến.

Tại Việt Nam, các loại rác thải nhựa phổ biến nhất là: Mảnh nhựa mềm, ngư cụ, túi nhựa, hộp đựng thực phẩm bằng xốp, ống hút nhựa,… Hơn 60% các loại rác thải nhựa là sản phẩm dùng 1 lần, không được tái chế. Các chất thải , này đa số được thải xuống biển, sông, hồ, ao, suối, gây ô nhiễm nguồn nước và đe dọa đến các sinh vật sống dưới nước. Bên cạnh đó, ô nhiễm đại dương còn đe dọa đến nguồn cung cấp thực phẩm và đời sống của hàng triệu người sinh sống dọc theo các bờ biển. Ngành du lịch Việt Nam cũng đang trong trạng thái báo động đỏ khi tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nặng. GDP du lịch của 28 tỉnh thành ven biển chiếm 6,1% GDP cả nước. Nhưng lượng khách du lịch tăng cao kéo theo sự phát sinh lượng chất thải lớn, trong khi cơ sở hạ tầng, máy móc công nghệ xử lý còn nhiều hạn chế.

2. Một số giải pháp xử lý thực trạng rác thải nhựa

Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của toàn thể người dân toàn cầu. Sức khỏe con người có tốt lên hay không đều phụ thuộc vào môi trường sống xung quanh chúng ta. Biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt. Hiện nay, giải pháp phổ biến nhất và thu hút được nhiều sự quan tâm chính là trung hòa nhựa, được thực hiện bằng cách thu gom, sau đó tái chế lượng rác thải nhựa hoặc tái sử dụng.

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 75% rác thải nhựa trên biển, thu gom 100% ngư cụ bị mất hoặc bị vứt bỏ. Bên cạnh đó, các mục tiêu khác bao gồm: không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tổ chức các chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển, thực hiện định kì việc quan trắc rác thải nhựa.

Việt Nam cần đồng bộ các giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa và nâng cao ý thức của người dân, cụ thể:

  •      Hoàn thiện các quy định pháp lý phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn. Nền kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Các nhà sản xuất, nhà phân phối cần phải hiểu rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của mình trong việc thu hồi, phân loại, tái chế cũng như chi phí để xử lý lượng rác thải đó. Bên cạnh đó, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng các quy chuẩn chuẩn mực về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh việc ban hành các chính sách ưu đãi, đầu tư thiết bị công nghệ nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp liên quan đến môi trường, đặc biệt là công nghiệp tái chế. 

Một số giải pháp xử lý rác thải nhựa, nguồn: Sưu tầm

  •      Xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến vào việc tái tạo các nguồn nguyên liệu mới. Thiết lập được quy trình thay thế các nguồn nguyên liệu độc hại bằng các nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu từ hóa thạch, thủy điện.
  •      Để đạt được mục tiêu nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai gần, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và cách suy nghĩ về vòng đời sản phẩm. Thay vì sản xuất mặt hàng với giá rẻ, vòng đời ngắn, độ bền ngắn, thì giờ đây các nhà sản xuất cần chú trọng vào chất lượng sản phẩm và quy trình phát triển xanh.
  •      Xây dựng chiến lược truyền thông về sản xuất bền vững, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại to lớn của rác thải nhựa và tầm quan trọng của việc phân loại rác thải. Từ đó, thuyết phục người dân thay đổi thói quen mua sắm và ý thức được trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng.

Tác giả: InterLOG tổng hợp và biên tập

Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi
Tin tức liên quan