Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Siết chặt giờ lái xe: Nguy cơ thiếu tài xế, chuỗi cung ứng đứt gãy?

Luật Trật tự, An toàn Giao thông đường bộ 2024 được cập nhật và điều chỉnh từ bộ Luật giao thông đường bộ 2008 nhằm đảm bảo an toàn giao thông và phát triển an sinh xã hội. Tuy nhiên, một số thay đổi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng.

Điều 64 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, như sau:

  •  Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 04 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.

  • Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại điều này.

So với Luật giao thông đường bộ 2008, quy định mới giới hạn thời gian lái xe của tài xế lái xe dịch vụ vận tải tối đa 48 giờ/tuần. Hơn nữa, bổ sung thêm đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm thực hiện quy định này so với chỉ “Người vận tải và người lái xe ô tô chịu trách nhiệm” của bộ luật cũ. 

Quy định này đang gây ra nhiều tranh cãi khi gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất, đơn vị vận chuyển, người lái xe. Cụ thể hơn, việc cắt giảm giờ làm xuống 48 giờ/tuần khiến:

  • Thời gian vận chuyển nội địa từ nhà máy - cảng kéo dài hơn đến 2 – 3 giờ mỗi chuyến gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc nhà máy.

  • Giảm hiệu suất hoạt động vận tải trên mỗi chuyến.

  • Giảm thu nhập tài xế, ước tính 20-30% so với trước dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu hụt nhân lực.

Lái xe chịu áp lực lớn hơn trước luật an toàn giao thông mới, nguồn: Báo giao thông

Trong bối cảnh nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng đã đi vào hiệu lực, mức phạt hành chính tăng cao tạo ra nhiều áp lực, căng thẳng lên các tài xế và buộc các công ty phải tăng cường các biện pháp kiểm soát, như tập huấn kỹ năng lái xe an toàn, lắp đặt thiết bị theo dõi giờ lái và GPS. Lỗi vi phạm của lái xe có thể dẫn đến hình phạt cho chủ sở hữu phương tiện và doanh nghiệp vận tải, điều này dẫn đến tình trạng “một cổ hai tròng” lên tài xế vì đối với mô hình thuê xe hoạt động thì hai đơn vị này riêng biệt.

Luật An toàn Giao thông 2024 sẽ buộc các doanh nghiệp vận tải phải cân nhắc điều chỉnh lại cấu trúc giá cả dịch vụ của mình để duy trì hoạt động. Đây thực sự là một thách thức lớn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường. Dự kiến chi phí vận tải đường bộ có thể sẽ tăng từ 15 – 20% so với trước 2025. 

Trong tình trạng rủi ro, áp lực gia tăng đối với tài xế dịch vụ vận tải kết hợp với thu nhập giảm có thể khiến thiếu hụt nguồn nhân lực tài xế, đặc biệt là tài xế xe container cho ngành logistics vận tải đường bộ. Năng suất vận tải giảm đồng bộ cùng với thời gian vận chuyển kéo dài dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, điều mà đã có dấu hiệu trong Tết Nguyên Đán vừa qua, khi mà tình trạng thiếu tài xế, thiếu xe và ách tắc giao thông nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp năng lực cung ứng và sản xuất của các nhà máy.

Với bối cảnh các quy định mới có phần thách thức, ông Võ Văn Hiền – Giám đốc nội địa, Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải Mỹ Á, cho biết: “Nhiều phương tiện phải nằm tại bãi, dừng hoạt động vì thiếu tài xế. Hiện tại số lượng phương tiện nằm đắp chiếu chiểm khoảng hơn 10% kéo theo hàng hoá bị ùn tắc, trong khi các đối tác thì đang cần hàng hoá để sản xuất. Trước áp lực quá tải cấp đổi bằng và quy định lái xe bị giới hạn 48 giờ/tuần nên doanh nghiệp đành để xe nằm bãi và cũng không thể tuyển thêm tài xế. Điều này làm phát sinh chi phí bến bãi, ảnh hưởng tới đối tác và uy tín của doanh nghiệp là rất lớn” – ông Hiền chia sẻ.

Với những hệ lụy tiêu cực kể trên và tương lai gần có thể giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia. Giải pháp trước mắt cho các doanh nghiệp là thích ứng và:

  • Cần sắp xếp giao nhận sớm hơn để giảm thiểu rủi ro sát giờ hạn lệnh và cutoff tại cảng, đặc biệt là khi thời gian mỗi chuyến hàng kéo dài hơn. 

  • Kế hoạch giao nhận tại kho cần nhanh chóng hiệu quả hơn để giảm thời gian xe chờ tại kho. 

  • Sẵn sàng các phương án cho các trường hợp thời gian vận chuyển kéo dài và cước phí tăng cao so với trước 2025.

Nguy cơ thiếu hụt tài xế lái xe bởi những rào cản từ quy định mới, nguồn: tham khảo

Về lâu dài, cần giảm thiểu rủi ro nhờ đa dạng hóa phương thức vận chuyển, tối ưu và phối hợp giữa đường thủy nội địa, tàu hỏa và hàng không. Đặc trưng của địa lý Việt Nam có đa dạng các tuyến sông lớn, InterLOG tận dụng lợi thế đó cung cấp giải pháp vận chuyển sà lan qua đường sông nội địa, trung bình mỗi sà lan có thể chở 140 TEU giúp linh hoạt hóa chuỗi cung ứng, bảo vệ môi trường nhờ giảm lượng lớn xe tải và tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển (lên tới 250 triệu đồng cho mỗi 500 TEU). Với kinh nghiệm 20 năm hoạt động trong ngành cùng đội ngũ nhân viên kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng hiện đại, công nghệ tiên tiến, chúng tôi sẵn sàng đương đầu với các thách thức mới để giảm thiểu rủi ro và đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Công ty InterLOG cũng tích cực đóng góp ý kiến qua các Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) để trình Bộ liên quan về khó khăn, giải pháp cho doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp vận tải.

Trong kỷ nguyên mới “vươn mình của dân tộc”, các chế tài răn đe như luật An toàn Giao thông đường bộ 2024 là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông và đem lại lợi ích cho xã hội nhưng cũng đặt ra các thử thách cho thị trường mà sẽ cần cập nhật, thay đổi cho phù hợp. Đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực tài xế, giảm năng lực vận tải đường bộ, thời gian vận chuyển kéo dài và chi phí trucking tăng từ 15 – 20%, các doanh nghiệp cần sẵn sàng kế hoạch linh hoạt, thích ứng với việc điều phối lịch giao hàng sớm hơn và chuẩn bị cho các tình huống rủi ro. Việc tìm kiếm các giải pháp phù hợp với hoạt động sản xuất của mình là cần thiết để phát triển bền vững, đa dạng hóa phương thức vận tải như sà lan là cần thiết để quản trị rủi ro. 

Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi
Tin tức liên quan