Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Tổng kết kinh tế Quý 1/2023: Tăng trưởng bền vững hay Tín hiệu nguy cơ??

Quý 1/2023 chứng kiến kinh tế Việt Nam trải qua nhiều biến động và thăng trầm. Dù các con số khá khô khan, nhưng chúng đã làm tốt nhiệm vụ cho thấy được sự thay đổi rõ rệt trong nền kinh tế và đánh dấu những "lần đầu tiên" đã xảy ra trong 3 tháng đầu năm.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP), nguồn: Tổng cục Thống kê
Tổng sản phẩm trong nước (GDP), nguồn: Tổng cục Thống kê

GDP bình quân đầu người là chỉ số đánh giá rõ nhất sự phát triển của một quốc gia. Tổng sản phẩm quốc nội quý 1/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng của quý 1/2020 là 3,21% trong giai đoạn 2011-2023. Cụ thể, nhóm ngành Dịch vụ có màn bứt phá đáng kinh ngạc, trở thành nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 3 tháng đầu năm (tăng 6,79%), đóng góp 95,91% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đáng chú ý hơn, nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng lại đảo ngược tình thế, từ nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất vào quý 1/2022 (tăng 6,56%) xuống nhóm ngành giảm sâu nhất quý 1/2023 (giảm 0,4%) trong 3 khối ngành kinh tế. 

Tình hình Sản xuất công nghiệp, nguồn: Tổng cục Thống kê

Tình hình Sản xuất công nghiệp, nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong đó, sản xuất công nghiệp toàn ngành của quý 1/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhóm ngành chế biến chế tạo (ngành chủ lực quyết định đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế) giảm 0,37%, ngành khai khoáng giảm mạnh 5,6%, ngành sản xuất phân phối điện giảm 0,32%, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,38%. Thêm vào đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của nước ta cũng có sự thay đổi rõ rệt: xăng dầu, sắt thép thô tăng, tuy nhiên ô tô, linh kiện điện thoại, điện thoại di động và quần áo mặc thường lại giảm đáng kể.

Lý giải cho việc IPP (Chỉ số sản xuất công nghiệp) quý 1/2023 lao dốc không phanh, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng của Tổng cục Thống kê cho biết: “Kinh tế toàn cầu suy giảm, chi phí đầu vào tăng, lãi suất tăng, USD lên giá, cầu tiêu dùng suy giảm. Vì vậy, ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng chung, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo”. Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề này có thể đến từ các tác nhân bên ngoài như giá nhiên liệu thế giới tăng cao, lạm phát nghiêm trọng trên toàn thế giới, nguy cơ chuỗi cung ứng đầu vào bị gián đoạn. Tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường tác động rất nhiều đến nền kinh tế nước nhà, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái làm cho các nhà sản xuất của Việt Nam chao đảo khi số lượng đơn hàng mới giảm đáng kể.

Hoạt động đầu tư và Tình hình Xuất nhập khẩu, nguồn: Tổng cục Thống kê

Hoạt động đầu tư và Tình hình Xuất nhập khẩu, nguồn: Tổng cục Thống kê

Hoạt động đầu tư ở Việt Nam trong quý 1/2023 có nhiều chuyển biến. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1/2023 tăng 3,7% (đạt 583,1 nghìn tỉ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng nhẹ phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố như lạm phát toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.

Trong đó, vốn khu vực Nhà nước tăng 11,5% (đạt 153 nghìn tỉ đồng). Điều này cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phú, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn mặc cho nền kinh tế nước nhà còn gặp nhiều bất ổn và thách thức. Việc giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều tỉnh thành, địa phương những năm trước có tỉ lệ giải ngân thấp nay đã có những chuyển biến tích cực.

Đáng chú ý, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 tháng đầu năm bị sụt giảm 1,1% (đạt 101,5 nghìn tỉ đồng). Trước đó, Việt Nam luôn được xem là điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài do có những lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư. Nguyên nhân của việc sụt giảm này là do trong 3 tháng của năm 2022 có sự gia tăng đột biến về đầu tư FDI, với các dự án FDI đầu tư quy mô lớn như dự án Lego, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỉ USD. Riêng dự án này chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong quý 1 năm trước.  Trong quý 1/2023, Tổng vốn đăng kí là 5,45 tỉ USD, giảm 38,8%, có 522 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 62,1% về số lượng dự án nhưng giảm 5.9% về số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, có 228 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 2,6% về số lượt dự án và giảm 70,3% về số vốn. Thêm vào đó, có 440 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 10% về số lượt và tăng 3,7% về số vốn so với cùng kỳ.

Không chỉ vốn đăng kí giảm, tổng vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2023 cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đặt 4,32 tỉ USD, giảm 2,2%.

                                                                                                Đơn vị: Triệu USD

QUỐC GIA

SỐ VỐN ĐẦU TƯ

Singapore

1690

Trung Quốc

552

Đài Loan

477

      Top 3 quốc gia có tổng số vốn FDI vào Việt Nam cao nhất quý 1/2023

Về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý 1/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 154,27 tỉ USD, giảm 13,3% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt được 79,17 tỉ USD, giảm 11,9% và nhập khẩu đạt được 75,1 tỉ USD, giảm 14,7%. Với kết quả này, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục nghiêng về xuất siêu với 4,07 tỉ USD. Mặc dù xuất khẩu suy giảm, thặng dư thương mại vẫn đạt trên 4 tỉ USD. Điều này cho thấy tín hiệu xuất khẩu dần lấy lại đà tăng trưởng như trước đây.

Lý giải cho việc suy giảm này, Tổng cục Thống kê cho rằng do kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Trong quý 1/2023, có 4 mặt hàng xuất khẩu chủ đạo chiếm trên 5 tỉ USD, chiếm 52,8% tổng kim ngạch xuất khẩu: Điện thoại và linh kiện; Điện tử, máy tính và linh kiện; Máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác; Dệt may. Đồng thời, có 2 mặt hàng nhập khẩu chính yếu chiếm trên 5 tỉ USD, chiếm 37,6% tổng kim ngạch nhập khẩu: Điện tử, máy tính và linh kiện; Máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác. Điều đặc biệt là 2 mặt hàng này đều chiếm tỉ trọng xuất khẩu và nhập khẩu rất lớn.

Bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cảnh báo mốt số lĩnh vực mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ ảnh hưởng lớn trong thời gian tới. Đối với mặt hàng thủy hải sản, sẽ bị cạnh tranh dữ dội hơn nữa từ các đối thủ đã có và sắp có Hiệp định thương mại tự do song phương với Canada như Ecuador, Indonesia, Ấn Độ. Mặt hàng dệt may sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ đáng gờm vừa được ký gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập như: Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, Haiti, Ai Cập…

Như vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi nỗ lực và cố gắng rất lớn, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp. Phát triển đồng bộ và hiệu quả hệ thống hạ tầng logictics phục vụ xuất nhập khẩu nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và logistics của khu vực.

 

Tác giả: InterLOG tổng hợp và biên tập.

(Nguồn: Tổng cục thống kê, báo Kinh tế và Đô thị, Đài tiếng nói truyền hình VOV)

Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi
Tin tức liên quan