Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Việt Nam nâng cao nhận thức và định hướng từng bước xây dựng “Logistics Xanh”

Blog/Sự kiện

Ngày 25 và 26/12, Diễn đàn Logistics Việt Nam (VLF) 2022 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức tại thành phố Hải Phòng với chủ đề "Logistics xanh". Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, sẽ tham dự và chỉ đạo tại Diễn đàn.

Chương trình có 2 chuyên đề chính gồm: Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn (Chuyên đề 1) và Logistics Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh mới (Chuyên đề 2). Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty InterLOG, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) vinh dự đại diện VLA điều phối Chuyên đề 2.



Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tại Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: Logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam. Những năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành logistics Việt Nam nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng được quan tâm đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng. Theo đó, sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất nhập khẩu những năm qua mang đến tiềm năng lớn đồng thời đặt ra những thách thức cho ngành logistics Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.


Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư Ký VLA,
CT HĐQT kiêm TGĐ InterLOG (bìa trái) được mời điều phối Chuyên đề 2:
Logistics Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh mới tại VLF 2022.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.

Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021. Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức mức cao trong giai đoạn từ 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỷ tấn (2015) lên 1,64 tỷ tấn (2021); Khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng khoảng trên 30%, từ mức 230 tỷ tấn.km (2015) lên 303 tỷ tấn.km (2021). Đóng góp trực tiếp của lĩnh vực logistics vào GDP hàng năm ở mức 4 - 5%.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phát triển logistics Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít hạn chế: Chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển; Phát triển vận tải đa phương thức nhằm hạn chế tác động của hệ thống vận tải tới môi trường còn chậm; việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa theo kịp yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và hiện đại…


Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư Ký VLA, CT HĐQT kiêm TGĐ InterLOG
đại diện VLA nhận Bằng khen tại VLF 2022.

Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục gia tăng trong ngành vận tải và một số hoạt động dịch vụ logistics khác đã và đang tác động làm hạn chế tới phát triển logistics xanh tại Việt Nam.

Bối cảnh và thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu đối với ngành logistics vừa phải có các giải pháp đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp khác biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, thể hiện vai trò hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Điều này đặt ra thách thức với ngành logistics Việt Nam trong việc xanh hóa hoạt động của chuỗi cung ứng, tích cực đẩy mạnh cải tiến quy trình hoạt động, đầu tư công nghệ nhằm cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng đi đôi với cải thiện môi trường và phát triển bền vững...

Là một trong những thành viên tích cực của Hiệp hội Dịch vụ logistics Việt Nam và là công ty logistics uy tín tại Việt Nam, InterLOG cũng đang từng bước “xanh hóa” các dịch vụ - giải pháp của công ty, đặc biệt là định hướng xây dựng và hoạt động theo mô hình phát triển bền vững ESG (E-Environmental - Môi trường; S-Social - Xã hội; G-Governance- Quản trị doanh nghiệp) cùng góp phần xây dựng nền “Logistics xanh” đang được đòi hỏi và xem là xu thế tất yếu của Việt Nam và thế giới nói chung./.

InterLOG: Tổng hợp và Biên Tập theo DDDN.

 



Tác giả: InterLOG Biên tập
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi