Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm tăng hơn 63%

Nửa năm 2023 trôi qua với nhiều sự biến động trong nền kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng. Tuy nhiên, có tín hiệu tích cực từ xuất khẩu rau quả khi kim ngạch xuất khẩu của 6 tháng đầu năm gần bằng cả năm ngoái.

Kết thúc tháng 6, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước tính đạt 2.8 tỷ USD, gần bằng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm ngoái (3.3 tỷ USD). Chỉ riêng trong tháng 6, xuất khẩu rau quả đạt trên 723 triệu USD, tăng hơn 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 2 loại quả đóng góp nhiều nhất là sầu riêng và thanh long.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng đây có thể được xem là năm đột phá của xuất khẩu nông sản với mức tăng trưởng vượt bậc và hy vọng có thể lập nên kỳ tích chưa tùng có từ trước tới nay.

Theo thống kê trong quý 2/2023, sản lượng trái cây cả nước đạt trên 2.6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu chuối đạt khoảng 460 nghìn tấn, xuất khẩu xoài 350 nghìn tấn, xuất khẩu sầu riêng 300 nghìn tấn, xuất khẩu thanh long 250 nghìn tấn, xuất khẩu vải thiều 330 nghìn tấn, xuất khẩu dứa 217 nghìn tấn, xuất khẩu nhãn 110 nghìn tấn, xuất khẩu cam 180 nghìn tấn,…

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm 63,47%, tăng hơn 12,4% so với cùng ký năm ngoái. Theo sau là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, tuy nhiên thị trường Mỹ đã giảm 12% so với năm 2022.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Lê Thanh Hoà cho biết thêm, sầu riêng chính là nhân tố sáng ngời từ đầu năm đến nay. Mức tăng trưởng của loại trái cây này tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng vượt bậc và đáng kinh ngạc khiến cho thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam vốn đã năng động, nay còn tấp nập hơn.

Xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng vượt bậc, nguồn: Sưu tầm

Sầu riêng đạt được mức tăng trưởng đáng kinh ngạc như vậy là nhờ thị trường Trung Quốc. Quốc gia này hiện chiếm đến 95% giá trị xuất khẩu của sầu riêng Việt Nam. Đây là kết quả rất tích cực từ việc Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7.2022. Năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã kí được hợp đồng xuất khẩu 1500 container sầu riêng (mỗi container 15 tấn) cho đối tác “cỡ bự” này.

Bên cạnh sầu riêng, vải thiều Việt Nam cũng được các nước đón nhận một cách tích cực. Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, tại thị trường Nhật Bản, năm nay, doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu lượng vải thiều tăng khoảng 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường Anh Quốc, vải thiều không hạt của Việt Nam được bày bán tại các siêu thị với mức giá 400.000 – 800.000 đồng/Kg.

Đối với mặt hàng thanh long, xuất khẩu loại trái cây này cũng thuận lợi và đạt mức tăng trưởng cao hơn những năm trước nhờ người dân Trung Quốc ngày càng ưa chuộng thanh long. Bên cạnh đó, do hạn hán kéo dài nên sản lượng thanh long của quốc gia này bị sụt giảm, do đó họ tăng cường nhập khẩu thanh long từ Việt Nam để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An cho biết thêm: “Mặt hàng thanh long có thể lấy lại vị thế trái cây tỉ USD. Từ cuối năm ngoái đến nay, giá bán thanh long luôn cao hơn giá thành, nông dân có lãi. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, nông dân lãi khoảng 400 triệu đồng/ha/năm”.

Ngoài ra, mặt hàng chuối cũng có tín hiệu đáng mừng khi kim ngạch xuất khẩu năm nay cũng tăng mạnh. Năm ngoái, xuất khẩu chuổi chỉ đạt 311 triệu USD, tuy nhiên năm nay doanh thu xuất khẩu chuối năm nay dự kiến đạt khoảng 700-800 triệu USD.

Dự báo, trong quý 3 - 4/2023 nước ta sẽ có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây cần được tiêu thụ như: xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ... Như vậy, với số lượng các đơn hàng trái cây đang tràn về như hiện nay thì chắc chắn chúng ta sẽ có đủ nguồn cung để đáp ứng như cầu đầy đủ.

Một số mặt hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam, nguồn: Sưu tầm

Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, nếu vẫn duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt mốc 1 tỷ USD tính đến cuối năm 2023. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành rau quả cũng sẽ có khả năng đạt mốc 4 tỷ USD vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận các ông lớn trên thế giới ngày càng có những yêu cầu cao về chất lượng cũng như các tiêu chuẩn khác. Do đó, các hộ nông dân cũng như các doanh nghiệp Việt Nam luôn phải nâng cao năng lực, cải thiện chất lượng, kết hợp tiến bộ khoa học kĩ thuật để có thể đưa ra được các giống cây mới đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế của các quốc gia.

Tác giả: InterLOG tổng hợp và biên tập
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi
Tin tức liên quan