Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Ngành Logistics Việt Nam - Từ giá trị lịch sử đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Năm 2025, Việt Nam kỷ niệm 80 năm thành lập nước và 50 năm thống nhất đất nước, chính thức bước vào “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc, với mục tiêu xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc.

Theo kết luận của hội thảo "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn", một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong kỷ nguyên mới chính là khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại,…

Trong đó, ngành logistics đóng góp cho nền kinh tế hội nhập của Việt Nam ngày càng tăng trưởng đã và đang trải qua nhiều giai đoạn lịch sử từ khởi nguyên đến thời đại vươn mình theo dòng chảy phát triển của đất nước. Hướng đến tinh thần khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc trong kỷ nguyên mới, InterLOG, doanh nghiệp tiên phong đổi mới kiến tạo những giải pháp chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics toàn diện đã cùng các hoạ sĩ tranh sơn dầu ra mắt bộ tranh “Tổ nghiệp ngành Logistics Việt Nam”, phác hoạ những mốc son trải dài các giai đoạn của lịch sử Việt Nam. Qua đó muốn khẳng định lòng yêu nước của con người Việt Nam và tôn vinh những giá trị trường tồn đầy tự hào về sức mạnh, khát vọng vươn mình và sự kiên cường của dân tộc. 

Từ những hình ảnh huyền thoại trong các giai đoạn thịnh vượng giao thương quốc tế tại thương cảng Hội An, thương cảng Vân Đồn…đến các dấu mốc “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mang tên “chiến dịch Điện Biên Phủ” và “Đường mòn Hồ Chí Minh” trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của quân và dân ta. Mỗi khoảnh khắc đều khẳng định tầm quan trọng của ngành logistics trong nhiều mốc son lịch sử của Việt Nam. Hãy cùng InterLOG nhìn lại và biết ơn đến những con người đã khai mở con đường phát triển ngành logistics Việt Nam nói riêng và đất nước nói chung để có thể vươn tới những tầm cao mới hôm nay và mai sau.

1. Bức tranh “Thương cảng Vân Đồn" - Khởi nguyên cảng, bừng sáng khát vọng non sông

Bức tranh “Thương cảng Vân Đồn”

Thương cảng Vân Đồn, thành lập từ thời Lý năm 1149, là một trong những cảng biển cổ quan trọng của Việt Nam, đóng vai trò then chốt trong giao thương quốc tế. Vị trí chiến lược tại vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh, giúp cảng không chỉ trở thành trung tâm buôn bán sầm uất với Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á, mà còn là lá chắn bảo vệ vùng biển đông bắc của Việt Nam. Vân Đồn còn mang ý nghĩa quốc phòng, nổi bật trong trận Bạch Đằng năm 1288, nơi quân dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đánh bại quân Nguyên Mông, khẳng định khát vọng bảo vệ non sông.

2. Bức tranh “Vùng đất thiên đường của Bà Chúa Kho”

Bức tranh “Vùng đất thiên đường của Bà Chúa Kho”

Bức tranh khắc họa hình ảnh Bà Chúa Kho, một nhân vật lịch sử thời nhà Lý, thế kỷ 11 được tôn kính vì vai trò quản lý kho lương quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến tranh chống ngoại xâm. Bà đã tổ chức sản xuất, thu hoạch, lưu trữ lương thực và đảm bảo nguồn cung hậu cần hiệu quả, giúp duy trì đời sống dân cư và hỗ trợ chiến lược quân sự. Tác phẩm tôn vinh vai trò của bà trong việc bảo vệ đất nước, đồng thời nhấn mạnh giá trị văn hóa và lịch sử của việc quản lý nguồn lực.

Hình ảnh kho lúa và vận chuyển nông sản trong tranh là minh chứng cho sự phát triển của hệ thống logistics từ thời xưa. Bà Chúa Kho trở thành biểu tượng của việc lập kế hoạch và quản lý nguồn lực hiệu quả—nền tảng của logistics hiện đại. Bức tranh không chỉ gợi mở bài học về chiến lược lưu trữ và phân phối mà còn thể hiện mối liên kết giữa quản lý chuỗi cung ứng và sự thịnh vượng của xã hội, cả trong thời bình và chiến tranh.

3. Bức tranh “Thương cảng Hội An - Faifo” - Dấu ấn hội nhập văn hóa

Bức tranh “Thương cảng Hội An - Faifo”

Bức tranh "Thương cảng Hội An" tái hiện hình ảnh cảng Faifo sầm uất, biểu tượng thương mại quốc tế của Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII. Hội An, với vị trí chiến lược và nguồn hàng phong phú, trở thành trung tâm giao thương của Đông Nam Á, thu hút thương nhân từ Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha và các nước phương Tây đến đây để trao đổi hàng hoá, giao thương quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của các chúa Nguyễn, thương cảng mở cửa đón nhận các nền văn hóa đa dạng, tạo nên sự hòa quyện đặc sắc và khai thác ngoại thương để tăng cường sức mạnh quốc gia. Mặc dù Hội An suy thoái từ nửa cuối thế kỷ XVIII do chiến tranh và chuyển dịch thương mại sang Đà Nẵng, Faifo vẫn để lại dấu ấn sâu sắc về vai trò thiết yếu của vận tải và logistics – lĩnh vực then chốt trong sự phát triển kinh tế của mọi quốc gia. Bức tranh như một lời nhắc nhở về giá trị lâu dài và tiềm năng to lớn của thương mại biển, gắn kết các quốc gia trên con đường giao lưu và hợp tác quốc tế.

4. Bức tranh “Kênh Vĩnh Tế" - Kiệt tác của tư duy đổi mới sáng tạo

Bức tranh “Kênh Vĩnh Tế”

Bức tranh "Kênh đào Vĩnh Tế" của họa sĩ Trần Ngọc Lâm tái hiện một cảnh tượng sống động về những công nhân kiên tâm, miệt mài, đào kênh dưới sự chỉ huy của danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Thoại Ngọc Hầu (1761–1829), tên thật là Nguyễn Văn Thoại, là một tướng lĩnh nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông là một vị danh thần cao quý, đứng cao và trông xa, với tư thế chỉ huy quyết định. Ông thể hiện sự tôn trọng và sự hỗ trợ đối với công nhân, đồng thời là biểu tượng cho sự thông thái và quyền uy. Đồng thời, ông cũng là tổ ngành logistics Việt Nam, có công rất lớn trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi, tạo tiền đề phát triển mối quan hệ ngoại giao tại miền Tây Nam bộ.

Qua đó, tác phẩm đã mang lại một thông điệp về sự cống hiến, tinh thần đoàn kết trong công việc, thể hiện rất rõ giá trị #Innovation (đổi mới, sáng tạo, phát triển), tôn vinh những người lao động bình dị và tạo ra một hình ảnh tươi sáng về sự khát vọng và nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng và phát triển cộng đồng ngày một bền vững.

5. Bức tranh “Sử Vận Hùng Ca” - Biểu tượng lịch sử anh hùng của ngành logistics

Bức tranh “Sử vận hùng ca”

Bức tranh "Sử Vận Hùng Ca" tái hiện tráng lệ một chương sử hào hùng trong ngành vận tải Việt Nam thời kháng chiến, khi cả dân tộc chung sức đồng lòng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tác phẩm ghi lại hình ảnh đoàn người miệt mài vận chuyển lương thực bằng sức người qua đèo Phadin hiểm trở vào lúc bình minh ló dạng, ra sức đẩy những chiếc xe đạp thồ đang chở đến 250 kg lương thực - gấp 5 lần trọng tải thông thường. Đoàn xe nối dài lặng lẽ leo dốc, mang trên mình không chỉ lương thực mà còn cả ý chí kiên cường, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Đây không chỉ là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết, mà còn là khúc ca tráng lệ của chuỗi cung ứng vận chuyển thủ công trong một giai đoạn lịch sử đầy hào hùng, truyền cảm hứng mạnh mẽ về sự bền bỉ, hi sinh và tiếp nối đến một “bình minh” rạng rỡ của Việt Nam. 

6. Bức tranh “Đường mòn Hồ Chí Minh" - Con đường chiến thắng

Bức tranh “Đường mòn Hồ Chí Minh”

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Đường mòn Hồ Chí Minh, hay Đường Trường Sơn, là một công trình vĩ đại, cả về ý tưởng lẫn thực tiễn. Được khai phá từ những lối mòn dọc dãy Trường Sơn, tuyến đường dần mở rộng thành mạng lưới giao thông chiến lược với gần 20.000 km đường bộ, sông nước và đường ống. Đây là con đường của sáng tạo, đổi mới, không ngừng biến hóa, đã giúp vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, nhu yếu phẩm và lực lượng vào các chiến trường miền Nam, đóng vai trò quyết định trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Sau chiến tranh, Đường mòn Hồ Chí Minh vẫn giữ giá trị vượt thời gian. Từ tuyến vận tải trong kháng chiến, con đường đã được hiện đại hóa, trở thành tuyến đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, gắn liền với sự phát triển đất nước, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Đúng như lời nhà thơ Tố Hữu - một cố nhà thơ kiêm chính trị gia người Việt Nam, từng viết: 

“Mở rộng con đường huyền thoại Hồ Chí Minh,

Cho Tổ quốc mai sau lên tuyến đầu nhân loại”.

Nhìn lại lịch sử qua những mảnh ghép thời gian, ta càng tự hào về hành trình phát triển của ngành logistics Việt Nam. Đó không chỉ là câu chuyện về sự lớn mạnh của một ngành nghề mà còn là biểu tượng của tinh thần bất khuất, sự sáng tạo và ý chí vươn lên mãnh liệt của cả dân tộc. Những bài học quý giá từ quá khứ ấy tiếp tục truyền cảm hứng để cùng InterLOG, chúng ta không chỉ gìn giữ giá trị truyền thống mà còn hướng tới một tương lai bền vững. Với nỗ lực không ngừng, chúng ta quyết tâm xây dựng ngành logistics Việt Nam ngày càng vững mạnh, góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ thương mại quốc tế.

Chúng tôi cũng xin chân thành gửi lời cảm ơn đến Hoạ sĩ Trần Lâm & Đăng Chân đã giúp chúng tôi hoàn thành các tác phẩm tranh sơn dầu đầy hào hùng và có giá trị đặc biệt nghệ thuật này.

Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link
Tin tức liên quan