Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

[Nhớ ơn Tiền nhân] Tri ơn Bác sĩ Asaba Sakitaro - Ân nhân Phong trào Đông Du

Inside InterLOG/Văn hóa doanh nghiệp

Tháng 11/2022, đoàn InterLOG đã thực hiện chuyến công tác tại Nhật Bản từ ngày 04/11 - 12/11/2022. Chuyến công tác này đã để lại cho các thành viên nhiều ấn tượng cùng sự xúc động sâu sắc. 

Điều đặc biệt nhất là đoàn InterLOG được ghé thăm di tích Bia tri ân bác sĩ Asaba Sakitaro do nhà yêu nước Phan Bội Châu cùng dân làng làng Higashi Asaba, thành phố Fukuroi, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản dựng lên năm 1918, được đặt tại chùa Jorin. 


Chùa Jorin - ji

Bước qua cảnh cổng chùa Jorin là khu vườn xanh mát, thuần tịnh, đầy tinh tế. Đoàn InterLOG được trụ trì chùa Jorin dẫn sâu trong khuôn viên chùa - nơi bia đá tưởng niệm mang tên bác sĩ Asaba Sakitaro, cao 2,7m, ngang 0,87m, vững vàng, tĩnh lặng, nhuốm đậm vết tích thời gian. Bia đá ghi nội dung “Không ai hào kiệt bằng ông, nghĩa ông bao trùm trong ngoài. Ông giúp như trời, tôi chịu như biển. Chí tôi chưa thành, ông không chờ đợi. Lòng đau vời vợi, đến ức vạn năm”. Những dòng tự sự này khiến cả đoàn chúng tôi bỗng chốc rơi vào trầm tư suy nghĩ.

Trích lục lịch sử, giao tình của nhà yêu nước Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakirato bắt nguồn từ những ngày tháng vô vàn khó khăn của phong trào Đông Du hội. Bối cảnh ra đời của phong trào Đông Du hội như sau : Năm 1868 triều Minh Trị (Meiji) -  thời kì cấp tiến của Nhật Bản. Nước Nhật mở nhiều trường lớp, đa dạng nội dung học tập (từ kiến thức phổ thông đến quân sự), khuyến khích đọc tài liệu nước ngoài, khuyến khích du học. Tại Việt Nam, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp liên tiếp thất bại, dân tình lầm than. Phan Bội Châu sáng lập Đông Du Hội, cùng các nhà yêu nước cùng chí hướng sang Nhật với lòng dũng cảm quyết tâm học hỏi, tìm đường lối cải tiến để cứu nước, giải phóng dân tộc – Đây là một trong ba hành trình ra đi tìm đường cứu nước có ý nghĩa nổi bật nhất trong lịch sử Việt Nam.

Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã chọn Nhật Bản là điểm đến cho hành trình  tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu XX : 
Nguyên nhân số 1 : Phan Bội Châu nhận thấy Việt Nam và Nhật Bản tương đồng về rất nhiều mặt (cùng châu lục, tương đương về diện tích lãnh thổ và dân số, cùng bị ngoại bang đe dọa, nhưng Nhật Bản vẫn giữ được chủ quyền, có những bước canh tân để phát triển vượt trội. Phan Bội Châu  ngưỡng mộ những phẩm chất trung thực, tự trọng, tự tôn, ý thức kỷ luật và tinh thần đoàn kết chặt chẽ của người Nhật.

Nguyên nhân số 2 : Phan Bội Châu mong muốn học tập một cách căn bản, toàn diện về con đường mới, mô hình phát triển mới của châu Á mà Nhật Bản là quốc gia tiên phong. Nhà nước Nhật Bản bấy giờ có chính sách khai phóng cho nhân dân, mở ra hàng loạt trường học, dạy về quân sự, đủ cả Hải, Lục quân, phái người đi các nước tìm tòi học hỏi thêm. Đây là mô hình nhà nước kết hợp tài tình giữa thể chế “tam quyền phân lập” của phương Tây vào điều kiện thực tế của Nhật Bản.

Nguyên nhân số 3 : Sang Nhật, Phan Bội Châu nhắm đến tranh thủ sự ủng hộ của chính giới Nhật Bản đối với công cuộc giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc của Việt Nam. Theo ông “Nhật Bản là giống da vàng, lại là nước tiên tiến... Bây giờ ta sang Nhật đem lợi hại thuyết phục họ tất nhiên họ sẽ vui lòng viện trợ cho ta”.


                             Bia tưởng niệm Bác sĩ Asaba tại Chùa Jorin-ji

Nhưng thực tế, mọi sự không hề dễ dàng. Tháng 01/1905, Phan Bội Châu cùng các sĩ phu VN đầu tiên sang Nhật. Chuyến Đông du này nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhà yêu nước Nhật Bản như Okumura, Kashiwabara Buntaro, bác sĩ Asaba Sakitaro. Số lượng du học sinh lên đến 200 người. Chương trình học đa dạng rất đa dạng, từ  tri thức phổ thông đến kiến thức  quân sự, có cả tập luyện thao tác quân sự. Nhưng đến tháng 06/1907, Pháp và Nhật đã ký Hiệp ước Franco-Japanese Treaty tại Paris; tháng 08/1908, chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất người yêu nước VN, lùng bắt Phan Bội Châu để tuân thủ điều khoản tôn trọng lãnh thổ thuộc địa của nhau tại Châu Á Thái Bình Dương với Pháp.  Hoạt động của phong trào Đông Du suy kiệt tài chính, đi vào hồi kết thúc.

Lúc này, Phan Bội Châu đánh bạo viết thư nhờ bác sĩ mở lòng nghĩa hiệp. Không ngờ thư viết đi buổi sáng, buổi chiều đã có hồi âm. Bác sĩ Asaba Sakitaro gửi Phan Bội Châu món tiền 1.700 yên (tương đương 200.000USD), kèm theo những lời nhắn nhủ chân tình: “Nhặt nhạnh trong nhà chỉ còn có thế, tạm thời gửi trước. Lần sau nếu cần, ngài đừng ngại, cứ lên tiếng. Tôi sẽ làm những gì có thể làm được”. Phan Bội Châu đã dùng số tiền này để lo liệu, thu xếp cho số lớn lưu học sinh về nước, còn mình sang Trung Quốc và Thái Lan lánh nạn. Ngày 25-9-1910, Asaba Sakitaro bị viêm phổi qua đời. Xuân 1918, Phan Bội Châu quay lại làng Umeyama đề nghị dựng bia tri ân Bác sĩ Asaba Sakitaro. Trong vòng một tháng, tấm bia đá đã được hoàn tất.

Sự nghĩa hiệp lớn lao của Bác sĩ Asaba Sakitaro dành cho người ngoại quốc Phan Bội Châu, cũng như lòng biết ơn sâu sắc được thực thi qua hành động dựng bia tri ân, và hành trình xuất ngoại cứu nước dũng cảm của Phan Bội Châu, chúng tôi cảm thấy mình còn rất bé nhỏ trước tiền nhân, cần nhiều nỗ lực để hoàn thiện bản thân trong công việc và cuộc sống :  thêm sự hào hiệp để hòa vào thế giới rộng lớn, nhiều dũng khí để thay đổi và sẵn sàng trước mọi thử thách mới, luôn biết ơn trân trọng với những điều mình đang có. 

Tác giả: InterLOG
Chia sẻ
Đã copy link
Tin tức liên quan