Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

InterLOG: Biến "thách thức" thành "cơ hội, chuyển mình phát triển bền vững trước thử thách đứt gãy chuỗi cung ứng

Inside InterLOG/Dịch vụ - Giải pháp

Thế giới đang được ví như "bức tranh nhiều mảng màu" u ám khi xung đột giữa Nga - Ukraine diễn ra ngay sau đại dịch Covid19 gây ra "cú sốc" không nhỏ cho hệ thống vận chuyển logistics và thương mại quốc tế trên toàn cầu. Dù vậy, các chuyên gia về logistics dự đoán, vấn đề tắc nghẽn sẽ sớm được khắc phục khi các giải pháp mang tính thực tiễn được áp dụng.

Để làm rõ vấn đề này, Bà Phạm Thị Tình - Giám đốc Thương mại Chi nhánh Hà Nội - Công ty Cổ phần InterLOG đã có những chia sẻ cụ thể với We Today về các giải pháp mà công ty đã và đang áp dụng trong thời gian qua để đạt được mức doanh thu Quý I năm 2022 tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021.


Bà Phạm Thị Tình - Giám đốc Thương mại
Chi nhánh Hà Nội- Công ty Cổ phần InterLOG


Thưa bà, như chúng ta đã biết, dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp logistics do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đại dịch Covid-19 cũng là dịp để các doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp logistics chuyển mình. Vậy theo đánh giá của bà, lĩnh vực logistic đã có những bước chuyển mình như thế nào trước thử thách mang tên Covid-19? (Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020 trong Báo cáo Chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2021, đứng thứ 8 trong TOP 10 quốc gia đứng đầu)

Đại dịch Covid-19 với những biến động khôn lường là nguyên nhân gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cũng là tác nhân tạo nên sự thay đổi rõ rệt của ngành giao thông vận tải và logistics. Theo Tổng cục thống kê, vận chuyển hàng hóa trong năm 2021 tăng 14,6% so với năm 2020, với nhiều phương thức vận chuyển mới như chuyển đổi máy bay chuyên chở hành khách sang chở hàng hóa; mở tuyến vận tải đường biển từ Việt Nam đến Ấn Độ; cùng nhiều giải pháp sáng tạo trong giao hàng chặng cuối, hỗ trợ người dân cũng như các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất trong thời gian giãn cách,... Những nỗ lực này đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 ước đạt vượt 600 tỷ USD.


Ngành logistics đã và đang đóng góp quan trọng cho kinh tế xã hội

Bên cạnh đó, tính chung quý I năm 2022, vận tải hàng hóa đạt 501,8 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm và luân chuyển 94,3 tỷ tấn/km, tăng 8,8% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,1%). Như vậy, vận tải hàng hoá khi đối phó với đại dịch và trong giai đoạn bình thường mới đều đang có xu hướng tăng trưởng.

Các con số tăng trưởng trên cho thấy ngành logistics đã và đang đóng góp quan trọng cho kinh tế xã hội nói chung. Đặc biệt, sau khi Việt Nam mở cửa trở lại sau đại dịch, ngành logistics Việt Nam chuyển biến khởi sắc, hỗ trợ xuất khẩu khôi phục và tăng trưởng trở lại. Riêng InterLOG, chúng tôi cũng đang đi theo tốc độ tăng trưởng của ngành, khi doanh thu Qúy I/2022 tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này cho thấy ngành logistics vẫn luôn là điểm nóng và có những bước chuyển mình tích cực, đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Để đạt kết quả trên, InterLOG cũng đã nỗ lực thay đổi bắt kịp xu thế của toàn cầu. Doanh nghiệp của chúng tôi đang từng bước chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn phải tạo được khả năng phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai với mô hình E.S.G (Environmental – Social – Governance), mô hình phát triển bền vững; đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng cấu trúc doanh nghiệp theo hệ sinh thái kết nối tương hỗ, đa chiều và vững mạnh trong nhiều mặt.


Ngành Logistics Việt Nam đang khởi sắc. Ảnh: Minh họa

Từ tháng 06/2021, InterLOG trở thành thành viên hỗ trợ về giải pháp cho khách hàng, cùng Liên minh Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VISA) tư vấn giải pháp kết nối giao thương, hướng tới mua hàng nội địa thay vì mua hàng từ nước ngoài, để kiểm soát những rủi ro khi bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo đó, InterLOG đã tham gia kết nối hơn 14 công ty đầu chuỗi (lead-firm) với các nhà cung cấp tại Việt Nam để giúp họ có thể kiểm soát được rủi ro, đặc biệt là khi nhập hàng từ thị trường Trung Quốc, bởi nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Còn đối với một số công ty công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, chúng tôi cũng đồng hành cùng Liên minh VISA giúp họ kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi, để nâng cao năng lực quản lý trong giai đoạn đầy khó khăn này.

Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, InterLOG có nhiều giải pháp. Đối với những sản phẩm bắt buộc nhập khẩu, InterLOG có thể đóng vai trò tư vấn, nhờ kinh nghiệm thiết kế chuỗi cung ứng và quản trị rủi ro đối với chuỗi cung ứng. Hiện tại, InterLOG có những gói giải pháp liên quan đến quản trị về tồn kho, quản trị về chi phí logistics.

Đối với chi phí logistics hiện tại, không chỉ có những lý do khách quan như cước tàu tăng, hay sản lượng nhiều khiến chi phí tăng, mà còn những chi phí lãng phí ở các khâu mà doanh nghiệp không nhìn thấy. Chúng ta có thể lấy ví dụ, khách hàng là đơn vị kinh doanh hàng hóa nhập khẩu bằng đường hàng không, có thắc mắc vì sao chi phí tăng InterLOG có thể nghiên cứu chuyên sâu về tổng chi phí hàng hóa nhập khẩu qua đường hàng không của doanh nghiệp trong vòng 6 tháng đến 01 năm gần nhất để tìm ra nguyên nhân vì sao chi phí hàng này lại tăng, ngoài những lý do khách quan từ thị trường thì còn lý do gì… Nguyên nhân có thể do thùng carton đóng quá dày, kích thước pallet chưa phù hợp, hoặc lựa chọn chuyến bay chưa đúng... Có rất nhiều nguyên nhân và InterLOG sẽ là người đứng ra mổ xẻ để tìm được nguyên nhân chính xác, hỗ trợ khách hàng cắt giảm chi phí nếu chưa hợp lý. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đưa ra nhóm giải pháp liên quan đến tư vấn về tồn kho cho khách hàng, tư vấn về quản trị và chi phí logistic, nhằm mục tiêu phát huy năng lực sản xuất và cung ứng nội địa.... để tạo lợi thế cạnh tranh mới cho chính doanh nghiệp và cộng đồng.


InterLOG hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan vận chuyển và hậu cần.
Ảnh: Minh họa

Cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine đã ảnh hưởng đến giá xăng dầu trên toàn thế giới, và tình hình vận tải nói chung, dẫn đến nguy cơ lạm phát. InterLOG, đặc biệt là các Đơn vị Liên minh vận tải đã và đang tận dụng cơ hội để liên minh với các chủ xe “mồ côi’’, liên minh REUSE container rỗng (giúp giảm một chiều lấy/trả container rỗng), giúp khách hàng tối ưu được chi phí vận tải, an tâm vận chuyển hàng hoá.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của InterLOG sẽ triển khai trong năm 2022. Việc số hoá quy trình làm việc, giảm các công việc giấy tờ, quản trị công việc hiệu quả hơn sẽ tạo tác động tích cực cho doanh nghiệp trong tương lai.

Vậy theo bà, việc quản trị chuỗi cung ứng rất quan trọng đối với lĩnh vực logistics?

Trong chuỗi cung ứng sẽ có 2 dòng, thứ nhất là dòng vật chất, thứ 2 là dòng thông tin. Vậy làm như thế nào để có thể quản trị được 2 dòng đó, việc hiểu được bản chất về chuỗi cung ứng của khách hàng là vô cùng quan trọng.

Mỗi phân khúc sẽ có một chuỗi cung ứng khác nhau và hệ sinh thái khác nhau. Đơn vị logistics khi muốn tập trung vào một chuỗi cung ứng bất kỳ có thể tập trung sâu vào chuỗi cung ứng đó để tìm hiểu nguyên nhân, yêu cầu của khách hàng là gì, ví dụ: đối với interLOG, chúng tôi đang tập trung vào phân khúc chuỗi công nghiệp và điện - điện tử, khi làm sâu vào chuỗi cung ứng đó, chúng tôi sẽ nắm được hệ sinh thái liên quan và những khó khăn của khách hàng hiện tại.


Doanh nghiệp có kế hoạch hậu cần tốt sẽ chủ động đối phó với khó khăn
khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy hơn

Đa phần nhóm khách hàng của InterLOG đang gặp phải khó khăn khi nhập hàng từ nước ngoài, do chủ trương phong tỏa để đối phó với đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Chúng tôi tìm kiếm, tư vấn chuyển đổi chỗ cung ứng, thay vì mua hàng từ nước ngoài, có thể mua hàng từ các nhà cung cấp trong nước. Thứ 2, chúng tôi có những giải pháp tư vấn về tồn kho, vấn đề tồn kho có nghĩa là bây giờ không phải lúc nào khách hàng cũng có thể nhập được hàng về, thay vì như vậy, doanh nghiệp có thể nhập hàng lưu kho trước, đồng thời, lập kế hoạch tồn kho để phối hợp cùng InterLOG đưa ra những kế hoạch nhập khẩu với số lượng lớn chẳng hạn, từ đó giúp lưu trữ nguồn nguyên vật liệu trong giai đoạn này, giúp khách hàng có thể chủ động nguồn nguyên vật liệu thay vì bị động, chúng tôi có những tư vấn chuyên sâu cho khách hàng, về tồn kho, ngoài ra thì tư vấn quản trị chi phí cũng là một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay, một container 40 đi Mỹ trước đây chỉ có giá 1.000 USD, hiện nay, giá vào khoảng 15.000 USD, tức là chi phí đã đội lên rất cao. Nếu không quản trị đúng sẽ gây thiệt hại không nhỏ.

Để ngành dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp với xu thế của quốc tế thì nhiệm vụ trọng tâm để ngành dịch vụ logistics cất cánh là gì? Các giải pháp trọng tâm mà chúng ta cần hướng đến trong tương lai như thế nào, thưa Bà?

Nhiệm vụ của ngành dịch vụ logistics là giúp khách hàng/hàng hoá di chuyển với 04 mục tiêu:

  1. Rẻ hơn
  2. Nhanh hơn
  3. Kiểm soát thông tin tốt hơn
  4. Kiểm soát rủi ro tốt hơn

Riêng với nội bộ của ngành logistics, nhiệm vụ cần tập trung:

  1. Nâng cao năng lực quản lý
  2. Công tác đào tạo chuyên môn cần đẩy mạnh
  3. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. 

InterLOG luôn bám sát các nhiệm vụ này để hoàn thiện hơn nữa cho chất lượng dịch vụ của chúng tôi. Đặc biệt, InterLOG xác định vai trò, nhiệm vụ của chúng tôi là kiến tạo và nghiên cứu các giải pháp đáp ứng với đa dạng nhu cầu của khách hàng. Phải hiểu sự thay đổi mô hình kinh doanh của khách hàng và nhu cầu của khách hàng để phát triển sản phẩm/ dịch vụ mới phù hợp. Hiện tại, chúng tôi cũng đang phát triển các giải pháp trọng tâm giúp khách hàng tháo gỡ những vướng mắc trong chuỗi cung ứng: Giải pháp Quản lý rủi ro, Giải pháp Quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả, Giải pháp Logistics…

Bà có nhìn nhận gì về cuộc đua của ngành E-Logistics tại Việt Nam trong năm 2022?

E.logistics = Logistics phục vụ E.commerce = dịch vụ Fulfillment + dịch vụ last mile delivery. Đây là một thị trường tiềm năng nhưng đầy khốc liệt.

Dịch vụ này phục vụ chủ yếu cho phân phối nội địa. Đây là mảng phát triển nhanh do Chủ hàng Thương mại điện tử phát triển nhanh, dẫn đến E.Logistics phát triển theo.

Việt Nam đã và đang chứng kiến sự chuyển đổi từ hoạt động logistics truyền thống sang hoạt động logistics thế hệ mới, ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng công nghệ 4.0. Đặc biệt, năm 2020, 2021 là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, do sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 cùng những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động logistics truyền thống. Song đại dịch chính là chất xúc tác, thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, làm khuấy động thị trường E-logistics.


E.logistics = Logistics phục vụ E.commerce. Ảnh: Minh họa

Sự sôi động của thị trường E-logistics là kết quả của việc các doanh nghiệp logistics áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, coi đây là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ đang có chuyển biến tích cực nhằm vào hệ thống dịch vụ logistics trong nước, với tư cách nhà cung cấp giải pháp công nghệ hoặc thậm chí là nhà cung cấp dịch vụ.

Hiện thị trường logistics Việt Nam ứng dụng công nghệ vào 04 mảng chính:

  1. Siêu ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải đường bộ (Grab, Gojek, Be,...)
  2. Giải pháp tự động hóa kho hàng thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối và chuyển phát nhanh (Tiki, Lazada, Shopee…)
  3. Hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa sản xuất với các nguyên tắc sản xuất tinh gọn, hoạt động rất hiệu quả (Samsung,…)
  4. Ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu mua tới khâu phân phối và đến người tiêu dùng cuối cùng. 

E-logistics không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp B2C như các doanh nghiệp kể trên mà nay đã đi vào mô hình B2B (Như sàn thương mại điện tử dành cho ngành công nghiệp Halana…)./.

Tác giả: InterLOG Biên tập
Chia sẻ
Đã copy link