Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

3 trụ cột trong phát thải carbon mà doanh nghiệp nào cũng cần nắm rõ

Việt Nam tuyên bố đảm bảo thực hiện cam kết của mình tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, doanh nghiệp, nhân tố chính của bức tranh phát thải toàn cầu cần phải tìm được phương pháp hiệu quả để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của mình.

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phát thải khí nhà kính đáng kể ở 3 nguồn: Năng lượng, Cơ sở hạ tầng và Logistics. Đây cũng chính là 3 “trụ cột” phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp, chịu trách nhiệm cho lượng lớn khí thải và có mặt ở đầy đủ cả 3 phạm vi phát thải (scopes). Theo Viện Tài nguyên thế giới (WRI) vào năm 2020, tiêu thụ điện năng trong tòa nhà chiếm 17.5% toàn cầu, vận tải chiếm 16.2% và năng lượng chiếm 39.5%, tổng cộng tương đương khoảng 36.6 tỉ tấn CO2e, bằng với tổng phát thải toàn cầu năm 2017. 

Năng lượng hầu hết thuộc phạm vi phát thải số 2 (scope 2), nếu doanh nghiệp chỉ mua điện từ lưới điện của EVN để sử dụng, vậy hàng năm bộ Công thương sẽ cung cấp hệ số phát thải lưới điện quốc gia cho phép doanh nghiệp kiểm kê lượng phát thải sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đã cho phép lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời tại doanh nghiệp và hộ gia đình, cùng với đó cho phép bán điện tái tạo dư thừa cho EVN. Đối với các doanh nghiệp lớn có nhu cầu điện mặt trời, điện gió cao, có thể mua trực tiếp từ nhà cung cấp năng lượng thông qua lưới điện của EVN hoặc đầu tư đường điện tư nhân.

Lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời trên các tòa nhà dần trở thành xu hướng, nguồn: Sưu tầm

Năng lượng là yếu tố vô cùng quan trọng, có thể tác động lên 2 trụ cột còn lại và lên toàn bộ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Nếu có thể sử dụng nguồn điện tái tạo, phát thải đến từ nhà máy hay tòa văn phòng sẽ giảm đi đáng kể, nguồn điện này sau đó có thể cung cấp cho các phương tiện chạy điện. Mở rộng hơn, các nguồn năng lượng “xanh” khác có thể kể đến là khí LNG, sinh khối và xăng dầu hữu cơ. Ngoài nguồn năng lượng, việc tối ưu quản lý sử dụng điện cũng được quan tâm, bằng cách tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hay Internet vạn vật (IoT) vào hệ thống quản lý tòa nhà hoặc nhà máy, doanh nghiệp có thể nắm được công suất và tần suất sử dụng các trang thiết bị từ máy móc đến vật dụng thông thường.

Đây là lúc cơ sở hạ tầng nắm vai trò quan trọng, nếu không được trang bị những thiết bị tiết kiệm năng lượng cùng với hệ thống quản lý đủ tiêu chuẩn, việc vận hành cơ sở sẽ có lượng phát thải lớn nhắm vào phạm vi số 1 (scope 1) phát thải trực tiếp của doanh nghiệp hoặc phạm vi số 3 (scope 3) phát thải gián tiếp nếu doanh nghiệp thuê nhà xưởng hoặc văn phòng. Trên hết, ngay từ giai đoạn thi công, phát thải của nguyên vật liệu sẽ phải được kiểm kê và bù đắp nếu doanh nghiệp muốn đạt được chứng nhận “trung hòa carbon” hoặc chứng chỉ cơ sở xanh LEED/BREEAM/LOTUS. Ngoài ra, việc thiết kế ban đầu chú trọng ánh sáng tự nhiên và cách nhiệt cho tường và mái trong tòa nhà sẽ giảm chi phí và phát thải điện dùng cho thắp sáng và điều hòa không khí. Có một hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa (HVAC) hiệu quả cùng với khả năng xử lý chất thải và tái chế hợp lý là yếu tố nhiều doanh nghiệp hướng tới khi tìm thuê tòa văn phòng, họ biết những yếu tố phát thải này sẽ nằm trong báo cáo kiểm kê của doanh nghiệp họ.

Tối ưu hóa cho không gian mở và cây xanh, nguồn: Sưu tầm

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, “trụ cột” logistics là thành phần không thể thiếu của hầu hết các chuỗi cung ứng. Phát thải của hoạt động vận tải hay kho bãi sẽ nằm ở scope 1 hoặc 3 tùy vào liệu doanh nghiệp có sở hữu phương tiện hay nhà kho đang vận hành không. Năng lượng “xanh” sẽ ảnh hưởng đến điện năng của vận hành kho bãi, thúc đẩy sử dụng xe tải điện và tàu thủy nhiên liệu khí LNG của phương diện logistics. Hơn hết, các biện pháp như cải tiến vật liệu đóng gói và tối ưu hóa tuyến đường/lượng hàng hóa mỗi chuyến vẫn thường được doanh nghiệp áp dụng để xanh hóa trụ cột này.

Tại InterLOG, việc đồng hành cùng trách nhiệm môi trường và xã hội của khách hàng luôn được ưu tiên, các giải pháp như sử dụng vận tải sà lan từ cảng biển hay kho ICD hàng consol tối ưu quãng đường đã được kiểm kê đảm bảo loại trừ lượng carbon phát thải đáng kể. Lựa chọn các đơn vị dịch vụ logistics có nhận thức về bền vững đem lại kết quả giảm phát thải hiệu quả, ví dụ như dịch vụ đền bù tín chỉ carbon hoạt động logistics và cấp chứng nhận GoGreen của DHL.

Dù doanh nghiệp của bạn đang hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nào, đang ở những bước đầu trong lộ trình hay dần đi đến “trung hòa carbon”. Nắm vững 3 trụ cột này của doanh nghiệp mình và có những chiến lược cải thiện, đổi mới là đã xử lý được ít nhất một nửa lượng tác động tiêu cực lên môi trường. Hơn hết, việc có hành động sớm cho doanh nghiệp cơ sở dữ liệu phục vụ việc chứng nhận các tiêu chuẩn cần thiết cho hồ sơ năng lực tương lai như ISO 14068 – quản trị khí nhà kính, PAS 2060 – chứng nhận trung hòa carbon hay ISO 50001 – quản trị sử dụng năng lượng.

 

Tác giả: InterLOG tổng hợp và biên tập
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi