Năm 2023, toàn ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 2.181 cuộc (trong đó có 893 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 1.288 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan).
Từ kết quả kiểm tra, cơ quan Hải quan đã ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 1.081,62 tỷ đồng (tăng 63% so với năm 2022), đã thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền là 966,28 tỷ đồng (tăng 115% so với 2022).
Năm 2024, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan trong toàn quốc; tập trung triển khai các chuyên đề theo định hướng lớn, trọng tâm, trọng điểm và chỉ đạo các cục hải quan địa phương triển khai đảm bảo toàn diện, thống nhất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên phạm vi toàn quốc…
Công tác kiểm tra sau thông quan quý 1/2024, toàn ngành đã thực hiện 339 cuộc, trong đó có 132 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 207 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 77,6 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách nhà nước số tiền 71,52 tỷ đồng.
Số nợ thuế thuộc diện khó thu phát sinh từ nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan cũng còn khá lớn, riêng cục hải quan TP HCM có tổng số nợ gần 115 tỷ đồng của 67 doanh nghiệp.
“Thời gian tới, Cục Hải quan chú trọng công tác kiểm tra trị giá tính thuế đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch XNK lớn, có nguy cơ gian lận thương mại cao. Kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp nghi vấn trị giá khai báo so với cơ sở dữ liệu về trị giá hải quan, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường công tác phối hợp với sở, ban, ngành liên quan trong công tác thu hồi, xử lý nợ đọng thuế...”, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi - Huỳnh Văn Cường chia sẻ.
Theo nghị định số 38/2024/NĐ-CP đã bổ sung, thêm mới lực lượng được xử phạt vi phạm hành chính của hải quan. Cụ thể, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền phạt tiền đến 01 tỷ đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng và các chức năng xử phạt khác như nêu trên.
Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền phạt tiền đến 25 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng. Đội trưởng thuộc Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng.
Ngoài ra, các quy định quy trình cũ vẫn được giữ nguyên, thời gian kiểm tra sau thông quan là 10 ngày, được 1 lần gia hạn thêm 10 ngày bởi hải quan thanh tra.
Bước 1: Công bố quyết định kiểm tra sau thông quan khi bắt đầu tiến hành kiểm tra;
Bước 2: Đối chiếu nội dung khai báo với sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, các tài liệu có liên quan, tình trạng thực tế của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong phạm vi, nội dung của quyết định kiểm tra sau thông quan;
Bước 3: Lập biên bản kiểm tra sau thông quan trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra;
Bước 4: Người quyết định kiểm tra ký kết luận kiểm tra và gửi cho người khai hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra.
Trường hợp kết luận kiểm tra cần có ý kiến về chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền thì thời hạn ký kết luận kiểm tra được tính từ ngày có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan chuyên môn có thẩm quyền có ý kiến trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan;
Bước 5: Xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý theo kết quả kiểm tra.