Hotline (028) 39435899
Ngôn ngữ
flag enflag vi
interlogistics logo

Kinh tế Việt Nam có tín hiệu tích cực trong quý I/2024

Trong quý đầu tiên của năm 2024, liên hoàn khủng hoảng xảy ra trên thế giới, tuy nhiên Việt Nam vẫn đạt được những sự tăng trưởng nhất định trong nền kinh tế, mang đến sự khởi sắc và tươi mới cho cả năm 2024

1. Tăng trưởng GDP đáng kể so với cùng kỳ năm trước

Tốc độ tăng GDP quý I so với cùng kỳ năm ngoái, nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2024 đạt 5,66%, tăng 2,25% so với cùng kỳ năm 2023, vượt xa so với cùng kỳ giai đoạn bốn năm trước (từ 2020 đến 2023). Cụ thể, nhóm ngành dịch vụ vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu GDP (chiếm 43,5%), theo sau là công nghiệp và xây dựng với 35,7%, nông, lâm nghiệp và thủy sản xếp thứ 3 với 11,8%. trong lĩnh vực nông nghiệp, năm nay chứng kiến tiến độ thu hoạch lúa đông xuân diễn ra nhanh chóng hơn so với năm trước, đồng thời sản lượng của một số loại cây trồng lâu năm và các sản phẩm từ chăn nuôi, lâm nghiệp, và thủy sản đều đạt được mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ.

2. Cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu

Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa quý I/2024, nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Trong quý I/2024, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt hơn 178 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 17% và nhập khẩu cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực là 13,9%. Cán cân thương mại của Việt Nam một lần nữa ghi nhận xuất siêu với 8,08 tỷ USD. Đối với xuất nhập khẩu, Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế của mình với các con số tích cực. trong quý I/2024, đã có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số đó, có 04 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, đứng đầu là điện tử, máy tính và linh kiện với 15,693 tỷ USD.

Tình hình thế giới hiện nay gặp nhiều thách thức do sự cạnh tranh giữa những nước lớn ngày càng gay gắt, cụ thể, mối quan hệ giữa hai nước Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Bên cạnh đó, xung đột quân sự căng thẳng ở Ukraine, xung đột tại dải Gaza leo thang, cùng với các cuộc tấn công vào vận tải ở biển đỏ đang ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động xuất, nhập khẩu, làm tắc nghẽn giao thông hàng hóa, giá cước tăng cao, khiến các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý hơn về vấn đề thời gian và chi phí vận chuyển.

Cơ cấu xuất - nhập khẩu hàng hóa, nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Xét về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam, công nghiệp chế biến chiếm tỉ trọng cao nhất và áp đảo các nhóm ngành khác với hơn 82 tỷ USD (chiếm 88,1%), đứng thứ hai là nông sản, lâm sản với 8 tỷ USD (chiếm 8,6%). đối với cơ cấu hàng nhập khẩu chỉ có 2 nhóm hàng lớn là tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng, lần lượt đạt được 79,9 tỷ USD và 5,08 tỷ USD.

3. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp quý I/2024, nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong bức tranh kinh tế, giá trị tăng thêm trong ngành công nghiệp có sự tăng trưởng đáng kể với 6,18%, trong đó sản xuất và phân phối điện tăng mạnh nhất (11,97%). Tuy nhiên, nhóm ngành khai khoáng trải qua sự giảm sút 5,85% do công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, những năm gần đây đóng góp của ngành này vào GDP cả nước đang có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp đạt được tốc độ mạnh, tập trung nhiều vào ngành thép như thép thanh, thép góc tăng gần 30%, thép cán tăng 24,1%. Điện thoại di động và ôtô có sự sụt giảm nhẹ với lần lượt là 13,3% và 11,3%.

4. Hoạt động dịch vụ và vận chuyển hàng hóa

Hoạt động dịch vụ và vận chuyển hàng hóa, Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Trong quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã thu về 1537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. cụ thể, nhóm du lịch lữ hành có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt được 14,1 nghìn tỷ đồng (tăng 46,3%), kéo theo dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt được 174,8 nghìn tỷ đồng (tăng 13,4%). điều này thể hiện sự ổn định và phục hồi trong tiêu dùng nội địa, mặc dù vẫn còn những ảnh hưởng từ biến động giá cả.

Đối với vận tải hàng hóa, trong tháng 3/2024, đã ghi nhận sự tăng mạnh với tổng số 208,1 triệu tấn và luân chuyển 41,4 tỷ tấn.km, tăng lần lượt 3,1% và 0,8% so với tháng trước. trong quý I/2024, vận tải hàng hóa tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt được 620,1 triệu tấn và luân chuyển 129,2 tỷ tấn.km, tăng lần lượt 13% và 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy một sự phục hồi đáng kể trong hoạt động sản xuất và thương mại của Việt Nam, đồng thời tạo ra tiềm năng cho sự phát triển kinh tế trong năm 2024.

5. Hoạt động đầu tư có sự tăng trưởng đáng kể

Hoạt động đầu tư xã hội và vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam quý I/2024, nguồn: thông tấn xã Việt Nam

Tổng số vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý đầu năm 2024 đã đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, một dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang trải qua quá trình phục hồi và phát triển ở nhiều lĩnh vực và ngành nghề. Đặc biệt, vốn đầu tư từ nước ngoài cũng đã tăng lên hơn 6 tỷ USD, tăng 13,4%. tổng số vốn đăng ký đạt 6,17 tỷ USD (tăng 13,4%) và tổng số vốn thực hiện được đạt 4,63 tỷ USD (tăng 7,1%), như vậy đã thực hiện được hơn ⅔ tổng số vốn đăng ký.

Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một thị trường rất tiềm năng và có sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển kinh tế và củng cố vị thế của Việt Nam trên thương trường quốc tế.

6. Một số vấn đề xã hội nổi bật

Một số vấn đề xã hội nổi bật quý 1/2024, nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có lực lượng lao động trẻ dồi dào với kinh nghiệm dày dặn, lực lượng lao động trên cả nước từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, tăng 175,8 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. So với quý trước, tình hình thất nghiệp trong quý I/2024 cũng đã có sự cải thiện, với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm 2,24%, giảm 0.02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy nhà nước đã có những chính sách hiệu quả và tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

 

Tác giả: InterLOG tổng hợp và biên tập
Chia sẻ
Đã copy link
Liên hệ với chúng tôi