Theo Bộ Giao thông vận tải, nhiều ngày sau khi bão đổ bộ, vẫn còn hàng trăm điểm bị chia cắt và ách tắc trên nhiều tuyến quốc lộ ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh trung du và miền núi. Khai thác vận tải bị gián đoạn khi cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng tại tỉnh Phú Thọ bị sập. Một số cây cầu khác trong khu vực bị ảnh hưởng cũng dừng khai thác vận tải đối với toàn bộ hoặc một số phương tiện giao thông.
Ngày 16/9/2024, CEL- công ty tư vấn hàng đầu chuyên về các giải pháp chuỗi cung ứng – đã phát hành báo cáo toàn diện đầu tiên, mô tả chi tiết tác động sâu sắc của bão Yagi lên chuỗi cung ứng tại miền Bắc. Khảo sát về những gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, tổn thất kinh tế và nỗ lực phục hồi của các doanh nghiệp được công ty thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 10/9 đến ngày 15/9/2024, với sự tham gia của 216 công ty từ các ngành: sản xuất (38,7%), bán lẻ và phân phối (15,1%); logistics và chuỗi cung ứng (26,9%)…
Kết quả khảo sát cho thấy, có 15,4% công ty bị gián đoạn nghiêm trọng, 53,6% công ty đối diện với những chậm trễ trong vận hành nhưng kiểm soát được. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành chuỗi cung ứng & logistics (supply chain & logistics) bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 82,4% doanh nghiệp đối mặt với các ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc vừa phải.
Bên cạnh đó, khoảng 20 - 30% trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đường sá hư hại làm gián đoạn logistics và vận tải. Điển hình như mỏ than Vàng Danh (Quảng Ninh) có thời điểm đã hoàn toàn mất điện và liên lạc, bị cô lập do sạt lở trên tuyến đường từ thành phố Uông Bí đến đây.
Theo CEL, khoảng 50 - 60% nhà máy của các doanh nghiệp tham gia khảo sát bị ngập lụt nghiêm trọng, cùng với đó là khoảng 30 - 40% cơ sở hạ tầng công nghiệp bị hư hại mái do gió lớn. Ngoài ra, khoảng 20 - 30% công ty phải đối mặt với thiệt hại hàng tồn kho, đặc biệt là các ngành như điện tử và sản phẩm gỗ.
Với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, 44,6% doanh nghiệp được khảo sát cho biết kỳ vọng sẽ phục hồi trong vòng 1-2 tuần nhờ vào việc huy động nguồn lực nhanh chóng. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn phục hồi thực tế, các doanh nghiệp sẽ thấy thời gian phục hồi có thể kéo dài và gặp phải những thách thức khác không lường trước được.
Đặc biệt, các nhà bán lẻ đã có phản ứng nhanh chóng để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân. Theo đó, các nhà bán lẻ lớn đã nhanh chóng tăng gấp 2-4 lần lượng hàng hóa so với bình thường để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt thực phẩm. trong đó, MM Mega Market, Central Retail và Saigon Co.op đã tăng mạnh lượng hàng rau quả từ Lâm Đồng và miền Nam ra miền Bắc.
Theo nhận định của chuyên gia CEL, ngành nông nghiệp dự kiến sẽ mất từ 6 tháng đến vài năm để phục hồi hoàn toàn. Cây trồng có thể phục hồi trong vòng 1 năm, trong khi chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có thể mất đến 2 năm để khôi phục hoàn toàn.