Cuộc họp mới nhất của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) tại London kết thúc vào ngày 22/3 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ nhiều quốc gia. Tại đây, các nước thảo luận về phương thức áp dụng các quy định về khí hậu đối với lĩnh vực vận tải biển – chịu trách nhiệm vận tải cho hơn 90% hoạt động thương mại toàn cầu, được xem là một trong những ngành khó thực hiện phi carbon hóa nhất.
Theo thông tin từ Reuters, cuộc họp của IMO đã phản ánh một sự đa dạng quan điểm từ các quốc gia tham dự. Trong khi có 47 quốc gia ủng hộ việc áp dụng một loại phí cho mỗi tấn khí nhà kính được thải ra từ ngành vận tải biển, thì các quốc gia như Trung Quốc và Brazil lại lên tiếng phản đối, lo ngại về tác động tiêu cực đối với nền kinh tế các nước đang phát triển.
Tại vòng đàm phán, đa số các nước tham gia nhất trí áp dụng một số hình thức thuế phát thải vào năm 2025, nhằm giúp giảm sự chênh lệch về giá giữa nhiên liệu hóa thạch và năng lượng xanh. Tuy nhiên, cũng có đề xuất kết hợp áp dụng thuế phát thải vào một số biện pháp khác. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của ít nhất 14 quốc gia.
Các quốc gia nằm ở Caribbe, Thái Bình Dương, châu Phi, Canada, Liên minh châu Âu (EU) đều nhìn thấy cơ hội lớn từ việc đánh thuế phát thải. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho quá trình chuyển đổi xanh của ngành vận tải biển, đồng thời đảm bảo tất cả các quốc gia đang phát triển đều tham gia và được hưởng lợi từ loại thuế này.
Quốc gia Trung Mỹ Belize và một số quốc đảo ở Thái Bình Dương kêu gọi áp dụng mức thuế 150 USD với mỗi tấn carbon thải ra. Các nhà vận động chiến dịch mô tả đây là “đề xuất tham vọng nhất trên bàn đàm phán”. Các nhà ủng hộ chính sách này tin rằng việc áp dụng thuế có thể tạo ra hơn 80 tỷ USD mỗi năm để đầu tư vào năng lượng sạch cho ngành vận chuyển và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong việc chuyển đổi sang các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường.
Trong năm vừa qua, các cơ quan Liên Hợp Quốc đã thống nhất về việc đặt ra các mục tiêu cắt giảm khí thải lên đến 20% vào năm 2030 và đạt được sự giảm phát thải ròng về 0 vào khoảng năm 2050. Mặc dù đã có sự nhất trí trong các cuộc đàm phán gần đây, tuy nhiên, bản tóm tắt chính thức của cuộc họp cho thấy các quốc gia vẫn chưa đồng thuận về một số vấn đề.
“Một điều đáng tiếc là vẫn còn một số ít các quốc gia không ủng hộ đề xuất này”, bà Sandra Chiri - Quản lý về phát thải vận tải biển tại Ocean Conservancy, một tổ chức ủng hộ thuế phát tải có trụ sở tại Mỹ cho biết. Lí giải cho nguyên nhân phản đối ý tưởng đánh thuế CO2 tại cuộc đàm phán IMO, một nghiên cứu của Đại học Sao Paulo ở Brazil đã chỉ ra rằng thuế carbon đối với vận tải biển sẽ cắt giảm GDP của các nước đang phát triển 0,13%, trong đó Châu Phi và Nam Mỹ là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Song song với sự phản đối này, Argentina, Brazil, Trung Quốc, Na Uy, Nam Phi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Uruguay đề xuất giới hạn cường độ phát thải nhiên liệu toàn cầu, với hình phạt tài chính đối với các vi phạm, thay cho việc đánh thuế vào tất cả các khí thải vận tải biển. Điều này có nghĩa là nếu các quốc gia tuân thủ hoàn toàn tiêu chuẩn nhiên liệu, thì sẽ không có khoản phí nào đối với khí thải.
"Chúng tôi không ủng hộ việc áp đặt thuế đồng nhất có thể gây tổn thương cho các nước đang phát triển, nhưng chúng tôi ủng hộ việc áp đặt một mức thuế hợp lý chỉ áp dụng cho lượng khí thải vượt quá một mức chuẩn nhất định," nhà đàm phán Brazil cho biết.
Trong bối cảnh này, việc đạt được sự thống nhất từ các quốc gia là cực kỳ quan trọng. Các nhà ngoại giao đã đưa ra đề xuất một sự thỏa hiệp có thể tập trung vào việc đưa ra quyết định về giá carbon mà không coi đó như một loại thuế, đồng thời đề xuất áp dụng các chính sách nhằm mục tiêu chính là cắt giảm khí thải, thay vì chỉ tăng doanh thu.
Mặc dù có sự khác biệt về quan điểm, các quốc gia vẫn nỗ lực thống nhất về các biện pháp chung toàn cầu, tránh tình trạng các quốc gia đặt ra tiêu chuẩn riêng của mình, khiến cho thị trường bị chia nhỏ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Nếu IMO không thống nhất về giá khí thải toàn cầu vào năm 2028, Liên minh Châu Âu có thể sẽ đưa thêm khí thải vận tải biển quốc tế vào thị trường CO2 địa phương của mình. Điều này lại khơi gợi lên một vấn đề vẫn chưa được giải quyết về việc ai sẽ chịu trách nhiệm và cách sử dụng thu nhập từ khoản phí.
Trước tình hình căng thẳng về chính sách thuế carbon, các chuyên gia đề xuất IMO có thể đưa ra một mức giá carbon mà không xem đó là một loại thuế, ví dụ IMO sẽ thiết kế chính sách nhắm vào mục tiêu cắt giả khí thải thay vì tăng doanh thu.
Với một lịch trình đầy thách thức và cơ hội, vòng đàm phán tiếp theo vào tháng 9 năm nay sẽ là thời điểm quan trọng để đưa ra các quyết định cụ thể và đồng thuận từ tất cả các bên liên quan. Trong tương lai, ngành vận tải biển đang có cơ hội rất lớn để tiến xa hơn trên con đường của sự bền vững và sự phát triển xanh của hành tinh chúng ta.