Dệt may là một ngành công nghiệp chủ đạo, đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững trung bình từ 8% - 15% mỗi năm, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay, ngành này sử dụng hơn 2 triệu lao động, xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm, với thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng.
Vào sáng 05/04/2023, tại triển lãm Quốc tế chuyên ngành dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2023, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu: “Trong thời gian qua, ngành Dệt may Việt Nam đã khẳng định vai trò trong giải quyết việc làm, an sinh xã hội, đóng góp nguồn ngoại tệ lớn và khẳng định tên tuổi trong nền kinh tế xã hội của Việt Nam và thế giới. Mặc dù bị ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid và các biến động địa chính trị trên thế giới, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ ba trên thế giới với giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt trên 40,4 tỷ USD, năm 2022 đạt 44,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2021, xuất siêu 18,9 tỷ USD. Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 68 - 70 tỷ USD”.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có nhiều biến động, nhu cầu hàng hóa và sản phẩm dệt may giảm mạnh, các doanh nghiệp trong ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì thị trường, nguồn cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Các yếu tố ảnh hưởng đến dệt may nước nhà:
-Thị trường khắc nghiệt: Ngành dệt may của Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác trong khu vực và toàn cầu. Các quy định về chất lượng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường cũng đòi hỏi phải đáp ứng để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
-Giá nguyên liệu và nhân công tăng cao: Giá nguyên liệu dệt may và nhân công tiếp tục tăng cao gây ra thách thức đối với ngành dệt may của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc điều chỉnh giá thành và nâng cao năng suất lao động sẽ là sức ép trong bối cảnh giá cả tăng cao.
-Công nghệ chưa phát triển mạnh mẽ: Mặc dù có tiềm năng phát triển công nghệ và đổi mới trong ngành dệt may, song hiện nay, đầu tư vào phát triển công nghệ vẫn chưa được đẩy mạnh đồng thời với sự cạnh tranh quốc tế. Điều này có thể đặt ra thách thức về nâng cao năng suất và cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh đó, Bangladesh đang là trở ngại lớn nhất đe dọa thị trường may mặc hiện nay của Việt Nam, là đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực này. Bangladesh hiện đang là một trong những nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Trong 2 tháng cuối năm 2022, trong khi đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng lên đến 70-80%, thì các đơn hàng vẫn tấp nập ghé vào “trạm dừng chân” Bangladesh giúp cho quốc gia này duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng.
Vậy nguyên nhân do đâu mà Bangladesh trở thành thị trường xuất khẩu hàng may mặc tiềm năng và màu mỡ đến như vậy?
Bangladesh sớm đã nắm bắt được tình hình nên đã “nhanh tay lẹ chân” tiến hành đổi mới diện mạo, thực hiện chiến lược “xanh hóa” ngành dệt may. Trước đây, các nhà máy, xưởng sản xuất của họ điều kiện rất tệ, xuống cấp trầm trọng, thậm chí xảy ra tai nạn lao động, nhưng hiện nay nhiều nhà máy của họ đã được nâng cấp, đáp ứng được các tiêu chuẩn đạt chứng chỉ “xanh” của thế giới. Cụ thể, 75% nhà máy “xanh” của ngành dệt may lớn nhất thế giới được đặt ở Bangladesh. Đây là một lợi thế cạnh tranh đắt giá của Bangladesh, giúp cho họ tiến gần hơn với vị trí đầu bảng xếp hạng các nước xuất khẩu hàng may mặc. Hiện nay, mối quan tâm hàng đầu trên thế giới chính là các giải pháp hướng đến ESG – mô hình chuỗi cung ứng xanh bền vững. Với xu hướng phủ xanh toàn cầu, các quốc gia hướng đến một hoạt động logistics với các mục tiêu thân thiện và bảo vệ không gian sống, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Các nhà xưởng càng được đầu tư về trang thiết bị hiện đại, sử dụng năng lượng sạch, các nguyên liệu tái chế, thân thiện càng thu hút được nhiều nhà đầu tư để mắt đến, nhờ đó kéo được các đơn hàng “cá mập” đổ về.
Bên cạnh những khó khăn trước mắt, cánh cửa cơ hội vẫn rộng mở cho Việt Nam trong thị trường ngành công nghiệp chủ lực này.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng nhấn mạnh về việc thay đổi tư duy, chiến lược trong tầm nhìn phát triển ngành Dệt may Việt Nam, tập trung vào việc phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh sạch, thân thiện môi trường. Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần tìm kiếm những hướng đi phù hợp, đảm bảo công ăn việc làm và an sinh xã hội cho người lao động, đẩy lùi những khó khăn về dịch bệnh, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn. Có thể thấy rõ qua các cơ hội như:
-Thị trường xuất khẩu tiềm năng: Ngành dệt may của Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường tiềm năng này.
-Đầu tư công nghệ cao: Việc đầu tư vào công nghệ cao trong sản xuất dệt may có thể giúp tăng cường năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc áp dụng tự động hóa, công nghệ số, và trí tuệ nhân tạo có thể đem lại cơ hội cạnh tranh cao hơn cho ngành dệt may của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
-Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu: Động thái dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, có thể tạo cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam. Việc tận dụng được lợi thế về lao động giá rẻ, cùng với khả năng cung cấp các sản phẩm dệt may đa dạng và linh hoạt, có thể giúp Việt Nam thu hút đầu tư từ các công ty quốc tế.
Bên cạnh việc tham gia thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với độ phủ rộng hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất thế giới, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đàm phán FTA với Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong 14 nước tham gia đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương.
Hiện Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đều dao động khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Để thực hiện đúng mục tiêu mà Đảng và Nhà nước mong mỏi, đối với ngành dệt may Việt Nam, việc xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam xanh, bền vững, liên kết chuỗi cung ứng chặt chẽ, tinh gọn, là yêu cầu tất yếu trong thời gian tới. Trong đó, hoạt động logistics phải được tối ưu hóa, tiến đến các giải pháp xanh như giảm phát thải carbon, net zero, giảm thiếu tác động tiêu cực đến môi trường hiệu quả thì doanh nghiệp mới có thể an tâm phát triển bền vững.
Tác giả: InterLOG tổng hợp và biên tập.